Chư Pah chú trọng công tác duy trì sĩ số

Cập nhật 06/3/2017, 14:03:57

Đưa học sinh đến trường, đảm bảo duy trì sỉ số của lớp sau kỳ nghỉ Tết luôn là việc không hề đơn giản đối với các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, bên cạnh đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pah đã tích cực  triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh công tác vận động học sinh ra lớp.

 

Trường Tiểu học Ia Mơ Nông, thuộc xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Gia đình các em hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn,  thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết, cũng là thời điểm của mùa thu hoạch hồ tiêu, điều… nên số lượng học sinh tiểu học bỏ học có nguy cơ tăng, do các em phải ở nhà phụ giúp cha mẹ thu hoạch nông sản. Trước tình trạng trên, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp không chỉ đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh mà còn liên kết chặt chẽ với gia đình, già làng, trưởng thôn… để vận động các em đi học. Chính vì thế sỉ số học sinh luôn được duy trì ở mức cao.

Cô Phạm Minh Tuyết- Hiệu trưởng trường Tiểu học Ia Mơ Nông cho biết: “Các thầy cô giáo chủ nhiệm cũng liên hệ với phụ huynh để nhắc nhở các em, truyền đạt cho phụ huynh biết việc học của các em là cần thiết, nhắc nhở các em thường xuyên đến lớp. Các thầy cô giáo tìm hiểu về hoàn cảnh của các em để quan tâm đúng mức, nhất là sách vở, đồ dùng học tập, quên góp quần áo, giày dẹp. Các giờ giải lao có các hoạt động vui chơi giải trí giúp tâm lý các em thoải mái vui vẻ”.

Cũng là một trong những trường có tỷ lệ cao học sinh  dân tốc thiểu số cao, trường Trung học Cơ sở Ia Ka, xã Ia Ka huyện Chư Pah năm học này có 10 lớp với 380 học sinh. Đến nay, 100% học sinh đã đến trường học tập. Để đạt được kết quả này, nhà trường đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó đặc biệt chú trọng đến việc khơi dậy niềm yêu thích học trong các em, đồng thời tăng cường các biện pháp hướng dẫn để tạo thói quen cho học sinh dân tộc tự học tại nhà.

Cô Đặng Thị Thái Binh- Giáo viên trường THCS Ia Ka cho biết: “Đối với học sinh vùng khó cần chắt lọc kiến thức cơ bản nhất để các em nắm được kiến thức của tiết học đó, bên cạnh đó ứng dụng khoa học công nghệ vào bài giảng như sử dụng bảng tương tác… giúp các em hứng thú hơn trong học tập. Các giáo viên phải biết gần gũi, biết khen kịp thời các em”.

Thầy Hoàng Văn Tùng- Hiệu trưởng trường THCS Ia Ka cũng cho biết: “Hằng năm vào đầu năm học, nhà trường rà soát các đối tượng khó khăn và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc của xã để tặng quà, tặng gạo và xe đạp. Ngoài ra các lực lượng khác cũng quan tâm giúp đỡ”.

Huy động học sinh đến lớp là việc làm thường xuyên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình.Có như vậy mới duy trì sĩ số học sinh cho cả năm học một cách hiệu quả nhất, góp phần quan trọng vào sự phát triển  giáo dục của địa phương./.

Nhâm Dung,  Minh Trí

 


Lượt xem: 160

Trả lời