Chư Pah bảo tồn nghề tạc tượng truyền thống

Cập nhật 05/7/2017, 08:07:50

Tạc tượng là nghề truyền thống của người  Jrai, BahNar trên địa bàn huyện Chư Păh. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, tư duy văn hóa có xu hướng xa dần truyền thống,  thì nghề truyền thống  này cũng đang dần bị mai một.

Trong phong tục của người dân tộc Jrai, BahNar, tượng gỗ chỉ được tạc để đặt tại nhà mồ, với những hình thù khác nhau miêu tả cuộc sống, sinh hoạt của con người. Nổi bật như mặt khóc, mặt cười, những người phụ nữ vất vả mang thai và địu con, những đứa trẻ đánh cồng chiêng…Mỗi bức tượng được tạc lên đều có cái hồn của người sống và người chết. Nó thể hiện sự linh thiêng, sự giao thoa tín ngưỡng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay với những giá trị nghề thuật dân gian của nghề tạc tượng mang lại thì những tượng gỗ tạc nên không chỉ để đặt tại nhà mồ mà còn được tạc để trưng bày, quảng bá văn hóa của người Jrai, BahNar. Điểm đáng chú ý trong tạc tượng của người dân tộc thiểu số là tượng được tạc bằng những vật dụng thô sơ, không sử dụng máy móc công nghệ hiện đại. Vì vậy tác phẩm tạc tượng chính là tâm huyết của người nghệ nhân.

Ông Rah Lan Ven – Phó Phòng Văn hóa thông tin huyện Chư Păh cho biết: “Tạc tượng không đơn thuần là tại nhà mồ. Trước đây có nhà mồ người ta mới tạc tượng còn bây giờ thì không phải như thế, cái tượng nó xuất hiện rất nhiều nơi. Do vậy xác định rõ vai trò, tầm quan trọng như thế, hướng về tương lai chúng tôi luôn luôn tổ chức các cuộc thi để tụ tập lại, khôi phục lại, bảo tồn lại tất cả những giá trị văn hóa đặc sắc của người Jrai, BahNar trên địa bàn tỉnh và huyện nói riêng”.

          Ông Rơ Châm Mát ở làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông là một trong những nghệ nhân tạc tượng lâu năm ở huyện Chư Păh. Năm nay đã gần 70 tuổi, ông gắn bó với nghề tạc tượng trên 40 năm. Mỗi bức tượng ông làm ra đều gắn với đời sống dân tộc Jrai. Chính vì vậy ông vẫn luôn ý thức về việc bảo tồn cũng như truyền cho thế hệ trẻ về việc tạc tượng

          Ông Rơ Châm Mát –nói: “Tạc tượng đây là tạc tượng cho lễ bỏ mả, lễ Pơ thi. Tạc tượng theo ông già, là tập quán hồi xưa. Ông già tôi nói là “Ô, bây giờ tạc tượng, mai mốt là cho người chết, làm 1 chỗ cho bà con làm theo, làm cho các thanh niên làng, dân làng biết mai mốt dạy lại cho các cháu nhỏ là tạc tượng”.

          Để nghề tạc tượng không bị mai một, những nghệ nhân tạc tượng không chỉ tạc những tượng gỗ để sử dụng trong làng, xã mà vươn tầm xa hơn là đưa tác phẩm của mình có mặt tại những khu bảo tàng, khu du lịch trên cả nước. Ông Ksor Krôk ở làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka biết tạc tượng khi mới 12 tuổi. Năm nay đã ngoài 60 tuổi những ông vẫn nhận lời mời đi tạc tượng tại Hà Nội và nhiều tỉnh trong nước. Gần đây nhất, ông còn tham gia hội thi tạc tượng tại Đăk Lăk và đạt giải nhì. Qua đó ông mong muốn quảng bá, đưa hình ảnh và nghề tạc tượng đến gần thế hệ trẻ hơn.

          Ông Ksor Krôh, nghệ nhân tạc tượng làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka, huyện Chư Păh cho biết: “Tôi tự đi học rồi tự nghĩ sau này dạy cho các cháu, các em, các con để nó mở được cái trường, lớp để dạy không quên được cái tập quán ngày xưa của bà nội nên tôi không quên, tôi vẫn nhớ lại”.

Với tâm huyết giữ nghề của các nghệ nhân và giá trị văn hóa độc đáo mà nghề tạc tượng mang lại, huyện Chư Păh sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy nghề tạc tượng trong đồng bào dân tộc Jrai, BahNar. Qua đó gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc Tây Nguyên./.

Diễm Ly – Bùi Đại


Lượt xem: 144

Trả lời