Chủ động để giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS tại huyện Đak Đoa

Cập nhật 26/6/2020, 14:06:53

Hậu quả cũng như những hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS đã và đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các cặp vợ chồng và làm suy giảm chất lượng dân số. Nhằm mục đích nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhiều giải pháp và mô hình thiết thực đã được các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện. Trong đó có mô hình câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh. Phóng sự được thực hiện tại xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa.

Mặc dù chỉ mới hơn 40 tuổi nhưng anh A Nanh ở làng Tul Đoa, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa có thể sẽ là ông nội trong một vài tháng tới vì đứa con trai mới 17 tuổi của anh đã lập gia đình cách đây một tháng. Biết được cái sai của con là kết hôn khi chưa đủ tuổi, thế nhưng với những người cha như anh cũng đành chấp nhận vì sợ con mình sẽ nghĩ quẩn làm điều không đúng.

Anh A Nanh chia sẻ: “Nếu không cho lấy vợ thì nó tự tự, thế mới khổ. Tôi đâu có cho đâu. Tôi không cho, nó bảo nếu bố không cho thì bọn con đi tự tử. Thế bố phải chịu thôi”.

Với một xã vùng 2 còn nhiều khó khăn và trên 80% số dân là người  DTTS, những năm trước đây tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS ở xã Đak Sơ Mei cũng là vấn đề “nóng” . Từ tình hình thực tế, để góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác dân số cũng như nâng cao chất lượng dân số ở địa phương, từ tháng 9/2019, Hội LHPN xã đã thành lập điểm mô hình câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trong hội viên phụ nữ với sự tham gia bước đầu của 30 chị em đều là những người có con dưới 18 tuổi. Ngoài lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, các hoạt động hòa giải tại cộng đồng… thì những buổi sinh hoạt câu lạc bộ định kỳ mỗi quý một lần như thế này sẽ là dịp để các chị em thành viên câu lạc bộ trao đổi với nhau nhiều điều về những hậu quả của việc kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống; giúp chị em có thêm kiến thức để từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về hôn nhân trong ĐBDTTS.

 Chị Đinh Thị Manh – Chủ nhiệm CLB “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” xã Đak Sơ Mei, huyện  Đak Đoa, Gia Lai nói: “Sinh hoạt là nói cho những hội viên ở trong thôn, trong xóm đừng để tình trạng xảy ra như là con mình chưa đủ tuổi, mới 14, 15 tuổi mà đã kết hôn là không được. Chưa đủ tuổi là nuôi dạy con chưa được tốt với lại suy dinh dưỡng, rồi mình làm ăn thì rất là thiếu thốn”.

Chị Nguyễn Thị Minh Hiếu – Chủ tịch Hội LHPN xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa, Gia Lai trao đổi: “Phụ nữ thành lập thì cũng chỉ như một hạt nhân nhỏ bé thôi và muốn dần dần tuyên truyền để thay đổi nhận thức. Thành lập mới mấy tháng thôi nhưng hiệu quả bước đầu thì cũng giúp cho hội phát hiện các cặp dự định muốn tảo hôn. Các chị cũng thường xuyên đi tuyên truyền và kịp thời phát hiện báo về; ngoài ra thì hội cũng xuống tuyên truyền, còn các chị là thành viên thì cũng mạnh dạn hơn tuyên truyền cho gia đình đó”.

Mặc dù chỉ mới được thành lập gần 10 tháng thế nhưng với những kết quả bước đầu mang lại trong hoạt động của câu lạc bộ ‘Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” của Hội phụ nữ xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa đã góp phần tích cực trong thực hiện tuyên truyền sâu rộng đến người dân vùng DTTS, vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong hôn nhân vì sự phát triển của mỗi người dân và của địa phương./.

Mỹ Tiến – R’Piên


Lượt xem: 78

Trả lời