Chỉ thị 12 – Nét riêng trong xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai

Cập nhật 22/9/2021, 11:09:06

Trước thành công và kết quả đem lại từ việc triển khai điểm việc sắp xếp lại khu dân cư và ổn định đời sống cho Nhân dân ở thôn Plei Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện), ngày 12/3/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị 12 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là cách làm mới, một nét riêng, rất đặc sắc của Đảng bộ tỉnh Gia Lai trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Qua 3 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 12 như một “làn gió mới” làm thay đổi diện mạo và đời sống của bà con vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Chiều nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12. Sau đây, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi phóng sự về một số kết quả nổi bật khi thực hiện Chỉ thị số 12 có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, rất phù hợp với địa bàn tỉnh Gia Lai-nơi có hơn 44% dân số là đồng bào DTTS.

Ban đầu khi triển khai thực hiện Chỉ thị 12 cũng gặp không ít khó khăn vì việc xây dựng làng nông thôn mới ở nhiều làng gần như phải kiến thiết lại từ quy hoạch, di dời sắp xếp lại nhà ở, rồi đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu… Song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là cấp ủy các cấp đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ lợi ích đem lại từ việc xây dựng nông thôn mới để cùng chung sức đồng lòng thực hiện.

Bà Hồ Thị Viên – Phó Bí thư Chi bộ làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê cho biết: “Đầu tiên thì không ai muốn dời đi song trước tiên mình thấy được lợi ích sau này cũng như mục tiêu chung của toàn xã nên mình đi từng nhà vận động là khi mình di dời thì được Nhà nước quan tâm về điện, đường, nhà, vườn thì rộng hơn. Trước kia thì không muốn dời đi nhưng khi dời rồi, làm rồi mới biết được sự quan tâm của Nhà nước và cũng hết sức cảm ơn Nhà nước.

Bà Cam Thị Ngọc – Thôn trưởng làng Kdâu, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang cho biết: “Tổ chức họp, lấy ý kiến nhân dân và tuyên truyền vận động nhân dân hiểu được những lợi ích của làng sau khi được chọn làm làng nông thôn mới thì bà con của làng hưởng ứng rất là nhiệt tình. Đầu tiên là con đường bê tông của làng dài 700m thì 2 bên đường bà con đều tự tháo dỡ hàng rào, giải tỏa mặt bằng, rồi còn đóng góp thêm 47 triệu đồng để cùng làm. Và làng cũng đã làm được rất nhiều công trình với sự đóng góp của toàn thể bà con Nhân dân”.

Có được thành công trong xây dựng làng nông thôn mới phải nói đến sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. Thông qua các đợt hành quân dã ngoại kết hợp với công tác dân vận, các đơn vị quân đội đã có nhiều hoạt động, phần việc ý nghĩa giúp cho các địa phương và người dân. Trong đó, đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ di dời hàng trăm ngôi nhà; phối hợp với các địa phương làm mới và nâng cấp trên 113 km đường giao thông; nạo vét gần 15 km kênh mương nội đồng; kéo 25 km đường điện chiếu sáng dân sinh và hỗ trợ cây, con giống giúp cho bà con phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Đại tá Phạm Mạnh Hùng – Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai trao đổi: “Chúng tôi phối hợp với Ban dân vận Tỉnh ủy và Văn phòng Điều phối NTM của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể. Trong đó, chú trọng thực hiện Chỉ thị 12 của BTV Tỉnh ủy về xây dựng làng nông thôn mới và tập trung vào địa bàn vùng sâu,vùng xa, vùng căn cứ cách mạng; đồng thời tập trung xây dựng NTM ở một số địa phương theo chủ trương chung của tỉnh”.

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 12 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã huy động, lồng ghép được trên 145 tỷ đồng cùng với sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng vũ trang để xây dựng làng nông thôn mới trong vùng dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2020, tỉnh Gia Lai đã có 90 làng nông thôn mới. Về với các các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, chúng ta có thể thấy rõ sự thay đổi với một diện mạo mới, hiện diện của sự ấm no, đủ đầy. Và đây cũng là động lực để thúc đẩy bà con vươn lên trong cuộc sống.

Ông Rơmah Dú, Thôn Kinh Pêng, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện nói: “Bà con rất sung sướng, vui mừng khi có đường, có điện, nhà cửa thì được di dời ngăn nắp. Và tư nay trở đi bà con thôn Kinh Pêng mình cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế”.

Già làng Đinh Đúp, Thôn Bi Giông, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa bày tỏ: “Bà con dân làng mình rất phấn khởi vì được về nơi ở mới; được Nhà nước hỗ trợ làm lại nhà, bờ rào; rồi đường đi sạch sẽ, nước sạch cũng có; ai trong làng cũng vui mừng hết. Từ nay bà con trong làng chăm lo làm ăn để không còn bị nghèo nữa”.

Có thể thấy, Chỉ thị 12 đã thổi một “làn gió mới” làm thay đổi toàn diện bộ mặt của các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Quan trọng hơn là làm thay đổi được nhận thức, ý thức tự vươn lên của bà con. Chỉ thị 12 càng thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng bộ tỉnh trong việc chăm lo, nâng cao đời sống cho người dân vùng dân tộc thiểu số. Để từ đó củng cố, phát huy tốt hơn nữa khối đoàn kết, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong các tầng lớp Nhân dân cùng chung tay với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, sớm đưa Gia Lai trở thành vùng động lực ở khu vực Tây Nguyên./.

 Đức Hải; Huy Toàn


Lượt xem: 144

Trả lời