“Chặn vòi tín dụng đen”. Phần 2: Tín dụng đen vì sao vẫn hoành hành

Cập nhật 19/10/2018, 08:10:02

 Mặc dù đã có quá nhiều bài học đau lòng từ hệ lụy của việc đi vay nặng lãi bên ngoài, thế nhưng tình trạng mua nợ hàng hóa, vay tiền với lãi suất cao vẫn phổ biến ở địa bàn nông thôn và ngày càng len lỏi tận sâu vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tín dụng đen vì sao vẫn hoành hành, bà con vẫn không thoát khỏi sự bủa vây của vòi tín dụng đen? Câu trả lời sẽ được đề cập qua phóng sự sau đây:

Anh Kpă Nhân ở Buôn Bluk , xã Phú Cần, huyện Krông Pa cho biết: “Vay để mua giống, mua phân bón cho lúa, cho mì”.

Còn anh Kpă H’Poal ở Buôn Thim, xã Phú Cần, huyện Krông Pa lại có lý do khác, anh nói: “Năm 2015 mượn 30 triệu để làm đám cưới cho em”.

Ông Đinh Trah – Làng Lợt, xã Đăk H’Lơ, huyện Kbang cho biết: “Nợ là do mua xe, đi Quy Nhơn chữa bệnh”.

Anh Đinh Djây- Trưởng thôn làng Lợt, xã Đăk H’Lơ, huyện Kbang cho biết về thêm về lý do bà con phải vay nợ nhiều: “Trong làng, đất đai thì có nhưng người Bana phong tục nhiều. Đám chết phải đi vay mượn đi mua bò, đám chết phải làm bò. Nhà nào có thì 2 con, không có thì 1 con. Người Bana nhà ai cũng vậy hết”.

Vay để sản xuất, vay để chữa bệnh, vay để ma chay, cưới hỏi, vay để mua xe máy theo những đòi hỏi phi lý của con cái, vay phục vụ cho những hủ tục lạc hậu và tốn kém v.v… tất cả những khoản vay đó đều có chung một địa chỉ: “Tín dụng đen”.

Hiện nay đi vay bên ngoài gần như đã trở thành thói quen của nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên vấn đề đáng nói ở đây là, không phải vay tiền trả bằng tiền mà bắt buộc phải trả bằng sản phẩm hàng hóa làm ra. Nhưng khi bán cho chủ nợ bà con bao giờ cũng chịu mức giá thấp hơn thị trường rất nhiều

Anh Đinh Trếch – Làng Lợt, xã Đăk H’Lơ, huyện Kbang cho biết: 1 tấn mía được 600 nhưng đại lý chỉ tính 300.

“Mì cũng vậy, nếu bán ở ngoài 2 ngàn rưỡi thì đại lý chỉ được ngàn rưỡi hay chưa đến 2 ngàn”, anh Đinh Djây- Làng Lợt, xã Đăk H’Lơ, huyện Kbang nói.

Ông Rơ Mah H’Hne – Buôn Rok, xã Chư Gu, huyện Krông Pa cũng cho biết: “Mình ôm của đại lý rồi thì không bán được bên ngoài. Đại lý nó không chịu. Nó ép mình cỡ đó mà sao chịu được. Mình lấy của đại lý 1 triệu lãi 30 ngàn, nhưng nếu bán ra ngoài thì đại lý lấy tới 50 ngàn”.

Trong khi đã phải chịu mức lãi suất cao ngất ngưỡng, 1 triệu mỗi tháng trả lãi 30 ngàn đồng, tức 3%/tháng và 36%/năm trong khi hiện nay lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ 0,55%/tháng, 6,6%/năm, bà con còn bị ép phải bán sản phẩm với mức giá rẻ bèo. Nếu không bán cho chủ nợ thì lãi suất tiền vay bị tăng lên gấp đôi. Đó chính là lý do vì sao khi bà con đã vướng vào vòng xoáy của tín dụng đen đều không có lối thoát và tín dụng đen vẫn có đất để hoành hành, bủa vây cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số bởi những ràng buộc ngầm như hiện nay.

Tiếp tục seri phóng sự  về  tình trạng của việc mua nợ hàng hóa, vay tiền lãi suất cao.  Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi phần cuối với tiêu đề “Chặn vòi tín dụng đen”.

Hồng Uyên, Đoàn Bình, Thanh Sáng


Lượt xem: 27

Trả lời