Cây mắc ca ở làng Groi

Cập nhật 13/7/2022, 16:07:13

Thực hiện các mô hình, dự án phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng; tại huyện Kbang, những năm qua, địa phương đã hỗ trợ các hộ DTTS phát triển nhiều mô hình trồng cây xen canh, trong đó có cây mắc ca, từ đó đã giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Cuối năm 2014, gần 100 hộ dân làng Groi, thị trấn Kbang được bố trí đất tái định canh tại tiểu khu 119, xã Sơ Pai, với định suất 1 ha/hộ. Có đất sản xuất, thời gian đầu, dân làng chủ yếu trồng mỳ và lúa rẫy, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao…

Trước thực tế đó, UBND huyện Kbang phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt-Chi nhánh Gia Lai và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam hỗ trợ dân làng Groi trồng xen cây mắc ca trên diện tích 100 ha tại tiểu khu 119, với mật độ 100 cây/1ha, đồng thời hỗ trợ phân bón và một số vật tư nông nghiệp trong 2 năm đầu, với hy vọng giúp bà con phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập. Cây mắc ca đã cho thu hoạch được mấy năm nay, giá bán tương đối ổn định. Tuy vậy, khó khăn của bà con ở đây là không chủ động được nguồn nước tưới, nên vườn cây phát triển chưa đồng đều…

Ông Phơl – Làng Groi, thị trấn Kbang, huyện Kbang cho biết: “Cũng mừng chứ, Nhà nước cấp đất ở đây này, không có đất cấp thì mình cũng khổ hơn. Một số nhà làm được 1-2 tấn mắc ka đấy, bán được 50.000 đồng/1 kg. Nói chung đất đây hơi khó làm nên mong được hỗ trợ phân bón”.

Anh Trương Văn Tuất – Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Kbang nói: “Hiện nay, làng Groi đất được Nhà nước hỗ trợ và sản xuất cây mắc ca, hầu như được 5-6 năm rồi, cây phát triển bình thường, cải thiện được đời sống cho bà con. Một số bà con sản xuất tốt đúng quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, một số bà con trình độ chưa am hiểu mấy, kinh tế gia đình còn khó nên chưa đầu tư mua phân bón cho cây trồng, nên tới đây về chuyên môn của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tuyên truyền vận động bà con, hướng dẫn về kỹ thuật và quy trình để bón phân đầy đủ và kịp thời để cho năng suất cao hơn”.

Theo Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Kbang: Thời gian tới, nếu có doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến liên kết phát triển vùng nguyên liệu cây mắc ca trên địa bàn, huyện dự kiến mở rộng diện tích lên 2.000 ha đến năm 2025 và 3.000 ha vào năm 2045; đồng thời nhân rộng phát triển các mô hình, dự án đa dạng hóa phát triển sản, nhất là trong vùng DTTS, để cải thiện sinh kế cho bà con./.

 Song Nguyễn – Minh Vũ


Lượt xem: 28

Trả lời