Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Riêng góp phần gìn giữ, phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Cập nhật 10/3/2024, 14:03:11

Ngày 8/3 vừa qua, Hội LHPN xã Ia Boòng, huyện Chư Prông đã ra mắt Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Riêng, đây là câu lạc bộ cồng chiêng nữ đầu tiên của huyện Chư Prông. Tham gia câu lạc bộ, chị em không chỉ biết múa xoang mà còn có thể diễn tấu, trình diễn cồng chiêng, qua đó góp phần gìn giữ, phát huy Không gia Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ ở làng Riêng xã Ia Boòng có 30 thành viên là hội viên Chi hội phụ nữ của làng, trong đó 15 chị đảm nhiệm đánh cồng chiêng, 15 chị còn lại đảm nhiệm vai trò múa xoang. Đội cồng chiêng của câu lạc bộ được hình thành xuất phát từ ý tưởng của bà Kpă Pheo – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Riêng. Bà Pheo cho biết, bản thân rất thích đánh cồng chiêng, tuy nhiên từ trước tới giờ ở làng chưa có phụ nữ nào được trực tiếp đứng trong đội cồng chiêng của làng, vì hầu hết người dân nơi đây đều quan niệm  đó là việc của nam giới và phụ nữ chỉ đảm nhận múa xoang.

Với niềm đam mê của bản thân và với mong muốn tập hợp, tạo sân chơi lành mạnh cho chị em trong làng, thông qua các buổi sinh hoạt, tập luyện cồng chiêng, chị Pheo đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng thành lập CLB cồng chiêng nữ trước chi bộ, hệ thống chính trị thôn, làng và được sự đồng tình cao từ hệ thống chính trị cũng như người dân.

Bà Kpă Pheo – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Riêng, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông trao đổi: “Tôi có ý tưởng phối hợp với Chi hội Phụ nữ thành lập 1 đội cồng chiêng nữ để tạo sân chơi giải trí cho bà con nhân dân và để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc người Jrai, đáp ứng niềm đam mê của chị em phụ nữ không chỉ biết múa xoang mà còn biết đánh cồng chiêng. Sau một thời gian tập hợp chị em, đến giờ chị em cũng hăng hái, nhiệt tình tham gia cùng với thôn, làng tham gia đánh cồng chiêng.”.

Để giúp các thành viên trong câu lạc bộ biết đánh cồng chiêng, ông Rơ Lan Thim – nghệ nhân cồng chiêng làng Riêng dành thời gian, tâm huyết chỉ dạy cho chị em từ cách cầm dùi, cách nhảy theo nhịp, theo điệu, sắp sếp đội hình phù hợp với sức khỏe, thể trạng người phụ nữ.. Đồng thời ông cũng hướng dẫn chị em cách cảm âm để luyện gõ cồng chiêng theo nhịp điệu nhanh mạnh, hào hùng hay trầm buồn, lắng đọng phù hợp với tiết tấu, âm điệu từng bài chiêng, việc này đối với nam đã khó,  đối với nữ lại càng khó khăn hơn.

Ông Rơ Lan Thim – Nghệ nhân Cồng chiêng làng Riêng, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông bày tỏ: “Tôi thấy khó nhất khi dạy cồng chiêng là chị em không đủ sức cầm cồng, rất nặng, tôi phải phụ chị em phần này, phải hóa trang thành nữ giới, mặc váy, đồ truyền thống của nữ để hỗ trợ chị em đánh cồng chiêng. Thời gian tới, tôi mong sớm kiếm được một chị có đủ sức để cầm Cồng cho đủ đội hình cho đội cồng chiêng. Còn những cái chiêng khác thì chị em đều sử dụng tốt”.

 Chỉ sau hơn 1 tháng thành lập, hầu hết các chị em trong đội cồng chiêng nữ làng Riêng đều thành thạo các động tác gõ trống, cồng, chiêng, trong đó có chị đã có thể đánh được trọn vẹn bài cồng chiêng “1965”, đây là bài cồng chiêng truyền thống có từ thời kháng chiến chống Mỹ được dân làng lưu giữ đến nay. Khi đã biết đánh cồng chiêng, các chị em trong đội đều rất phấn khởi, tự tin hơn về khả năng của mình, từ đó đã làm thay đổi quan niệm của người Jrai nơi đây là chỉ có nam giới mới đảm nhiệm được vai trò đánh cồng chiêng.

Ông Rơ Lan Thim – Nghệ nhân Cồng chiêng làng Riêng, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông chia sẻ: “Tôi thấy các chị em tiếp thu đánh cồng chiêng rất tốt và nhanh nhạy. Qua 1 tháng dạy cồng chiêng, bây giờ các chị em đã làm chủ được cồng chiêng và biết trình diễn cồng chiêng và đánh thành thạo cồng chiêng có tên là “65” đây là bài truyền thống, được tôi truyền lại, sau này tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn các chị em những bài cồng chiêng khác”.

Tham gia đội cồng chiêng của câu lạc bộ không chỉ là những chị em trẻ tuổi mà còn có nhiều phụ nữ lớn tuổi. Thông qua những buổi tập luyện như thế này, các chị cảm thấy rất vui vì được giao lưu, trao đổi nhiều điều trong cuộc sống, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định đời sống gia đình.

Bà Siu Dunh – Làng Riêng, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông bày tỏ: “Tôi rất thích đánh cồng chiêng, mỗi tối tập luyện tôi đều đến tham gia đầy đủ, tôi thấy rất vui và hào hứng khi đánh cồng chiêng”.

Tại chương trình “Tết xum vầy – Xuân chia sẻ” do Trung đoàn Kinh tế – Quốc phòng 710 thuộc Binh đoàn 15 phối hợp với xã Ia Boòng tổ chức chào xuân Giáp Thìn năm 2024, đội cồng chiêng nữ làng Riêng lần đầu tiên tham gia trình diễn trước công chúng. Đội đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng người xem bởi sự mới lạ trong cách sử dụng tiết tấu cũng như phong cách trình diễn. Đây là cách làm mới trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chư Prông nói chung, xã Ia Boòng nói riêng.

Bà Siu H’Thoan – Chủ tịch Hội LHP huyện Chư Prông cho biết: “Đối với câu lạc bộ cồng chiêng nữ thì đây là câu lạc bộ đầu tiên trên địa bàn huyện. Câu lạc bộ cồng chiêng nữ là một trong những câu lạc bộ để cho chị em hội viên phụ nữ tham gia, không những múa các điệu xoang mà còn đánh được cồng chiêng, giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Trong thời gian tới nếu như câu lạc bộ này hoạt động có hiệu quả và chị em tham gia nhiệt tình, hưởng ứng tích cực thì Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo, triển khai đến các địa bàn lân cận mà có khả năng nhân rộng mô hình này”.

Hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ cồng chiêng nữ làng Riêng có thể nhân rộng ở các địa phương khác, qua đó  góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng mãi trường tồn theo thời gian.

Khánh Linh – Rơ Lan Viện


Lượt xem: 29

Trả lời