Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19 trong vùng dân tộc thiểu số

Cập nhật 06/4/2020, 08:04:22

Mặc dù các ngành, địa phương từ Trung ương đến địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai nhiều giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 song một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhận thức rõ về đại dịch này cũng như cách phòng, tránh.
Chính vì thế mà rất cần sự vào cuộc quyết liệt với những giải pháp cụ thể để giúp bà con vùng dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức nhằm góp phần phòng, chống đại dịch COVID-19.

Mặc dù đã có chỉ đạo và khuyến cáo của các cấp về việc không tổ chức lễ cưới có mời khách, đãi tiệc trong mùa dịch COVID-19 song đầu tuần trước gia đình ông Rơ Chăm Nin (làng Mook Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) vẫn dựng rạp để tổ chức lễ cưới cho con trai với lượng khách mời khoảng 400 người. Dù dịch COVID-19 đã bùng phát trong nhiều tháng qua song ông Rơ Chăm Nin vẫn chưa nhận thức rõ về đại dịch này.

Ông Rơ Chăm Nin nói: “Mình Chưa biết, không biết mà. Do không biết mà, nếu biết mình không làm đâu”.

Bác sỹ Siu Điếp, Trưởng Trạm Y tế xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Đi tuyên truyền ở thôn làng thì mùa này đang mùa thu hoạch điều nên người dân ít ở nhà lắm; có một số người chưa biết, chưa nghe tới luôn vì người ta ở rẫy miết mà. Có người biết nhưng việc thực hiện có những hạn chế vì liên quan đến phong tục, tập quán, như là tụ tập đám cưới, đầy tháng, uống rượu kết bạn… nhiều lắm nên là trong tuyên truyền, vận động rất là khó khăn”.

Với địa bàn huyện Đức Cơ cũng như tỉnh Gia Lai có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó vẫn còn những phong tục tập quán lạc hậu; đặc biệt là nhận thức của người dân còn những hạn chế nhất định. Do vậy, để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch COVID-19 và hình thành được các thói quen, như: vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, không tập trung đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc nơi công cộng… thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành với những hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả.

Bác sỹ Rơ Mah Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Mình tuyên truyền cho bà con bằng cách đến từng nhà để giải thích thêm vì không được tập trung; hoặc là khi họ đến khám bệnh thì mình cũng lồng ghép để vừa tuyên truyền, giải thích thêm để họ biết và tuyên truyền cho các gia đình khác”.

Bà Phạm Thị Lan – Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: “Chúng tôi tiếp tục phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, những người uy tín ở cộng đồng dân cư và tiếp tục có những hình thức tuyên truyền hết sức trực quan bằng hình ảnh, ví dụ như các tờ rơi và các thông tin để dán tại những nơi sinh hoạt cộng đồng. Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, các ngành, các cấp và Mặt trận Tổ quốc thì chúng ta sẽ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là Công điện số 04 của UBND tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số”.

Mặc dù hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện dịch COVID-19 song trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và đây được coi là thời điểm quan trọng trong công tác phòng, chống dịch thì việc nâng cao nhận thức cho bà con dân tộc thiểu số là điều hết sức cần thiết để mỗi người dân sẽ là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch và cùng chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19./.

Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 69

Trả lời