Cần có giải pháp đầu ra cho sản phẩm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Cập nhật 23/4/2017, 09:04:47

Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Gia Lai, để giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, thị xã An Khê đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn từ 2007 đến 2017 thị xã đã có 21 đề án, dự án khoa học công nghệ được triển khai trên địa bàn, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm nông nghiệp của nông dân.

Thế nhưng, hiện nay đầu ra của các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đang gặp rất nhiều khó khăn, do vậy để những đề án, dự án này tiếp tục lan tỏa thì cần có sự liên kết, gắn kết, tạo điều kiện hơn nữa cho nông dân để đảm bảo sản phẩm đầu ra có chỗ đứng vững trên thị trường.

Gia đình ông Nguyễn Văn Dương ở tổ dân phố 5, phường An Bình, thị xã An Khê là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia dự án ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap. Năm 2014, khi kết thúc dự án, ông Dương và các hộ dân tham gia đều đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật trồng rau mới, đồng thời có mong muốn duy trì mở rộng diện tích sản xuất rau của gia đình. Tuy nhiên từ 5 sào rau tham gia dự án ban đầu, đến nay gia đình ông Dương chỉ duy trì sản xuất cầm chừng hơn 1 sào theo tiêu chuẩn VietGap, diện tích còn lại gia đình đành quay lại với lối làm truyền thống, đây cũng là tình trạng chung của các hộ dân tham gia dự án ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap trên địa bàn thị xã An Khê.

Ông Dương cho biết: “Mặc dù đã làm chủ được kỹ thuật làm rau này tuy nhiên gia đình không duy trì được là bởi do đầu tư cao hơn thì giá bán phải cao hơn rau thường ngoài thì trường, mà bán cao hơn thì không có người mua. Chúng tôi mong rằng cần có sự quan tâm, tạo điều kiện về đầu ra cho sản phẩm rau VietGap, chỉ có đầu ra ổn định thì bà con chúng tôi mới yên tâm làm được”.

Năm 2017, thị xã An Khê đang tiếp tục thực hiện Dự án “Ứng dụng quy trình chăn nuôi heo trên nền đệm lót lên men sinh thái và sinh hoạt tính” được triển khai từ năm 2016 tại 11 xã, phường. Đây là dự án có kỳ vọng sẽ mang lại giá trị chăn nuôi cao cho nông dân, đặc biệt là giải quyết về vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi heo. Tuy nhiên với thị trường tiêu thụ heo thịt bấp bênh như hiện nay thì người nuôi heo cũng gặp không ít khó khăn.
Bà Đinh Thị Nguyệt-Chủ nhiệm Dự án “Ứng dụng quy trình chăn nuôi heo trên nền đệm lót lên men sinh thái và sinh hoạt tính” thị xã An Khê cho biết: “Các hộ dân tham gia dự án đều nắm bắt được quy trình kỹ thuật mới và thực hiện rất tốt. Tuy nhiên để kỹ thuật này có thể nhân rộng trong dân thì còn có nhiều vệc cần phải làm, nhất là về cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân về vấn đề vốn, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung và đặc biệt là quản lý ổn định thị trường đảm bảo đầu ra tiêu thụ cho bà con”.

Trên thực tế, sản phẩm nông nghiệp sản xuất bằng biện pháp áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật có mức đầu tư cao hơn, thị trường tiêu thụ chưa biết đến nhiều, giá bán cao hơn nên khó cạnh tranh với thị trường sản phẩm nông nghiệp được làm theo lối truyền thống. Các sản phẩm nông nghiệp như: Rau VietGap, hoa sản xuất theo hướng công nghệ cao do nông dân làm ra chưa nhận được sự hậu thuẫn tích cực từ thị trường tiêu thụ; việc liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp và nông dân gần như chưa có nên khó hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến các đề án, dự án khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn dù đã thành công nhưng chưa thể nhân rộng.

Ông Nguyễn Công Tuấn- Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã An Khê cho biết: “Thực tế thì các đề án, dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã trong những năm qua đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, giúp nông dân tiếp cận và áp dụng các kỹ thuật mới vào chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên vẫn mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, trình diễn là chủ yếu, chưa áp dụng được đại trà”.
Trên thực tế, việc thay đổi phương thức canh tác, mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Tuy nhiên cùng với sự thành công của các đề án, dự án khoa học công nghệ đã và đang được triển khai trong thời gian qua thì cũng cần có sự liên kết đồng bộ cả trong quản lý, tổ chức sản xuất và xây dựng mối liên kết giữ doanh nghiệp với nông dân để tạo ra được một môi trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững. Có như vậy thì thành công của các đề án, dự án kho học công nghệ mới có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo đà cho kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững./.

Ngọc Ánh, Huy Toàn


Lượt xem: 97

Trả lời