Các địa phương phía Đông tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra

Cập nhật 30/10/2020, 07:10:47

Cơn bão số 9 đã gây thiệt hại nặng trên địa bàn tỉnh Gia Lai; đặc biệt là các huyện, thị xã khu vực phía Đông. Ngay sau bão, các địa phương đã tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra. Ghi nhận của nhóm phóng viên thời sự trong ngày 29/10 tại địa bàn thị xã An Khê và huyện Kbang.

Theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 29/10, thời tiết tại các huyện, thị phía Đông của tỉnh Gia Lai thì thời tiết tương đối thuận lợi; trời không có mưa, gió đã tạm ngừng. Và các địa phương đang tập trung lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục những thiệt hại do bão số 9 gây ra, nhằm sớm ổn định đời sống.

Thị xã An Khê được xác định là khu vực trọng điểm của tỉnh Gia Lai khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền. Mặc dù đã có sự chuẩn bị chu đáo, song do mưa to, cộng thêm gió giật mạnh đã khiến cho hàng chục ngôi nhà của người dân bị tốc mái.

Anh Phan Văn Lên, xã Thành An, thị xã An Khê nói: “Sáng hôm qua bão vô, gió mạnh quá thì nó giỡ mái nhà mà trước đó tôi đã cùm bằng dây cáp mà chịu cũng không nổi; gió giật bay lung tung, đồ đạc là đổ bể hết”.

Bà Bùi Thị Thu Hoài, Phó Bí thư Thường trực xã Thành An, thị xã An Khê cho biết: “Ngay từ chiều ngày hôm qua thì chúng tôi đã huy động lực lượng dân quân để hỗ trợ cho các gia đình yếu thế, thứ nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, rất may là các hộ này cũng không bị thiệt hại nặng; còn đối với các hộ gia đình chính sách, hộ neo đơn thì ngay sáng nay thì lực lượng dân quân cũng đã hỗ trợ dọn dẹp để ổn định sau bão”.

Cùng với nhà ở dân cư thì các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế ở một số xã cũng bị sập tường rào, tốc mái. Đối với các nhà trường đã chủ động khắc phục các hư hỏng nhỏ, đảm bảo cơ sở trường, lớp để ngày mai học sinh đi học trở lại.

Thầy Nguyễn Bá Tiến, Phó hiệu trưởng Trường T’H&THCS Võ Nguyên Giáp, thị xã An Khê cho biết: “Trước mắt thì nhà trường lập toàn bộ chi tiết các thiệt hại thì nhà trường đề xuất với UBND thị xã có hướng khảo sát, tổ chức khảo sát để có hướng khắc phục. Còn những hạng mục nhỏ thì nhà trường tự sữa chữa. Đối với 4 phòng học bị hư hỏng thì nhà trường bố trí, sắp xếp các lớp học để đảm bảo theo chương trình dạy và học”.

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về hoa màu song theo ghi nhận của chúng tôi thì nhiều hộ dân ở thị xã An Khê đã bị thiệt hại nặng. 1.500 gốc chuối trồng xen vườn cây ăn trái của gia đình chị Nguyễn Thị Dung đang trổ buồng bị gió quật đổ rạp. Theo tính toán của gia đình thì thiệt hại gần 50 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Dung, xã Thành An, thị xã An Khê chia sẻ: “Việc chống đỡ cũng được gia đình chuẩn bị chu đáo song gió to, giật mạnh mà thân chuối nó mềm, bị gãy nên không cứu vớt được. Với những cây chuối nó đập vô cây bưởi thì mình cứu cây bưởi mà đến khi gió nó ngưng thì vườn chuối cũng thiệt hại 100%”.

Theo báo cáo thì các thiệt hại do bão số 9 ở thị xã An Khê chủ yếu tập trung ở xã Thành An. Trong sáng nay, địa phương đã huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục các hư hỏng về nhà ở, cơ sở vật chất do mưa bão gây ra. Cùng với đó là thống kê cụ thể thiệt hại về hoa màu.

Ông Huỳnh Ngọc Mỹ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã An Khê trao đổi: “Về thiệt hại hoa màu thì chúng tôi cũng phối hợp với UBND các xã, phường rà soát toàn bộ diện tích hoa màu thiệt hại nếu có báo cáo về cơ quan thường trực; và trên cơ sở đó thì UBND thị xã sẽ chủ động hỗ trợ bằng nguồn dự phòng của thị xã; đồng thời kiến nghị với tỉnh trên cơ sở thiệt hại để hỗ trợ”.

Tại huyện Kbang – địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do cơn bão số 9 gây ra, nhất là về nhà ở dân cư.

Cụ thể: có 5 nhà dân bị sập hoàn toàn, 156 ngôi nhà bị tốc mái. Trong đó, tập trung nhiều nhất là ở các xã Tơ Tung, Lơ Ku và xã Đông. Ngay trong sáng nay, các địa phương đã huy động các lực lượng cùng với lực lượng của quân sự, công an huyện để hỗ trợ người dân lợp lại các nhà bị tốc mái.

Ông Trần Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Tơ Tung, huyện Kbang cho biết: “Theo thống kê ban đầu thì trên địa bàn xã có khoảng 190 ngôi nhà bị tốc mái và bay ngói, thiệt hại tương đối lớn, khoảng gần 2 tỷ đồng. Trước mắt thì xã đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân của xã và đoàn viên thanh niên trên 50 người phối hợp với công an huyện để khắc phục bước ban đầu là lợp lại những nhà bị tốc mái, tốc ngói để cho bà con có chỗ ăn, chỗ ở để giảm bớt khó khăn. Xã cũng đang triển khai thống kê cụ thể thiệt hại để có hướng hỗ trợ cho người dân”.

Thượng tá Y Phương, Phó trưởng Công an huyện Kbang nói: “Chúng tôi triển khai các lực lượng phối hợp với các địa phương triển khai thông tuyến các tuyến đường bị ngập lụt và giúp dân khắc phục các hậu quả. Trong sáng nay thì chúng tôi phối hợp với chính quyền xã Tơ Tung giúp dân lợp lại ngói và dựng lại các nhà cho bà con. Cho đến hiện nay thì chúng tôi đang triển khai các nội dung theo sự phân công của UBND huyện và chủ động các phương tiện, lực lượng; huy động toàn bộ chiến sĩ để giúp người dân”.

Việc khắc phục các hư hỏng về nhà ở dân cư vẫn đang được triển khai một cách khẩn trương nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Ông Lãnh Công Dân, xã Tơ Tung, huyện Kbang nói: “Cách đây khoảng 10 năm nay mới bị lại thì bây giờ gia đình cũng cảm ơn các ban ngành ở huyện, công an huyện và ở xã và bà con hàng xóm đã hỗ trợ cho gia đình lợp lại mái nhà để ổn định đời sống”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Bí thư huyện ủy-Chủ tịch UBND huyện Kbang trao đổi: “Trước mắt thì chúng tôi sử dụng nguồn kinh phí của Mặt trận và Hội Chữ thập đỏ là 100 triệu đồng để mua tôn và ngói để hỗ trợ khắc phục các nhà bị tốc mái. Còn các nhà bị tốc mái, sập đổ hoàn toàn thì chúng tôi đã tổ chức nắm tình hình và trong thời gian tới làm lại cho người dân. Và chúng tôi đã đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ cho 100 cán bộ, chiến sĩ để sữa chữa khắc phục cho bà con. Và mục tiêu đề ra là trong ngày nay đến cuối tuần thì những nhà tốc mái sẽ hoàn thành để phòng ngừa cơn bão số 10 sắp tới”.

Theo thống kê sơ bộ, bão số 9 kèm theo gió mạnh đã làm cho hơn 500 ha cây trồng ở huyện Kbang bị ngã đổ. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là cây mía, lúa nước, bắp và mỳ. Hiện nay, việc thống kê cụ thể các thiệt hại do cơn bão số 9 vẫn đang được các địa phương triển khai. Song ưu tiên hàng đầu vẫn là khẩn trương khắc phục các hư hỏng về nhà ở để giúp người dân sớm ổn định về chỗ ở để khôi phục sản xuất./.

Đức Hải,  Minh Trí


Lượt xem: 62

Trả lời