Cà phê đặc sản Gia Lai: Hướng đi triển vọng

Cập nhật 01/12/2021, 08:12:35

Việt Nam là quốc gia giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê Robusta trên thế giới. Ngoài cà phê thương mại, chúng ta đã rất nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cà phê nhân với cà phê có Chỉ dẫn địa lý, cà phê bền vững có chứng nhận. Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để sản xuất cà phê và đây cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng cà phê của tỉnh còn thấp nên giá trị thu về chưa cao. Vì vậy, việc phát triển cà phê đặc sản đang được coi là hướng đi triển vọng và lâu dài. Với hướng đi này, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch để phát triển cà phê đặc sản góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mặt hàng này dần tiếp cận với các thị trường khó tính trên thế giới.

Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên là 1 trong những đơn vị trên địa bàn tỉnh Gia Lai tập trung đầu tư phát triển cà phê đặc sản để tạo ra những sản phẩm cà phê chất lượng cao đủ sức thâm nhập vào các thị trường có tiềm năng và xuất khẩu. Từ hương vị đặc trưng, công ty đã lựa chọn giống cà phê là Arabica và Robusta để liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu cà phê sinh thái hữu cơ nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Để đảm bảo chất lượng cà phê, toàn bộ sản phẩm được yếu cầu thu hoạch quả chín đạt trên 95% và được sử dụng hai phương pháp sơ chế là Honey và Natural, với các bước: Sàng quả tươi; tách quả xanh; rửa cà phê; bóc vỏ thịt và phơi khô có kiểm soát. Sau đó, cà phê nhân xanh sau khi được sàng lọc sẽ tiến hành rang, hạt cà phê được rang với độ chín tới để tạo hương vị đặc trưng nguyên bản của cà phê. Hiện nay, công suất sản xuất của công ty là hơn 200 tấn nhân xanh.

Anh Nguyễn Hải Phong – Tổng Giám đốc Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên cho biết: “Trên góc độ để phát triển trên quy mô rộng lớn hơn, để sản lượng cà phê chất lượng cao có thể mở rộng được, công ty rất mong muốn được sự hỗ trợ cũng như sự kết hợp bên Nhà nước, địa phương để chung tay vào xây dựng mô hình liên kết chuỗi giống như công ty mình đang làm đây đem lại hiệu quả cho bà con nông dân cũng như là câu chuyện công ty có sản lượng lớn hơn.”

Hiện nay, một số người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tìm hướng đi cho mình là tập trung vào phát triển cà phê đặc sản để xuất khẩu nhưng việc xây dựng vùng nguyên liệu vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi đa số người dân vẫn giữ lối sản xuất truyền thống, thu hái theo tự nhiên chứ chưa đảm bảo tỷ lệ chín của cà phê. Trong khi đó, việc phát triển cà phê đặc sản, yêu cầu lớn nhất phải hái quả chín để đảm bảo chất lượng thay vì thu hái cà phê xanh. Chính vì phải đảm bảo những tiêu chí nghiêm ngặt như vậy nên thị trường cà phê đặc sản hiện chiếm chưa tới 1% tổng sản lượng cà phê thế giới. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Gia Lai nói riêng có thể vươn ra thị trường thế giới. Các quốc gia dẫn đầu về ngành hàng cà phê như Brazil, Indonesia… hiện cũng đang đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu và khai thác phân khúc thị trường cà phê đặc sản. Cũng chính vì thế mà nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu tiếp cận với phương pháp chế biến cà phê đặc sản để tăng giá trị sản phẩm.

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vĩnh Hiệp cũng nêu: “Cà phê Gia Lai rất khác với những vùng khác, người nông dân thay đổi rất nhanh và tổ hợp tác luôn luôn vận hành với yêu cầu của đầu ra, chấp nhận thay đổi để sẵn sàng cùng với doanh nghiệp để chia sẻ, đẩy sản phẩm cà phê của địa phương lên cao hơn, nâng tầm quốc gia Việt Nam về cà phê. Đó là một trong chiến lược của Vĩnh Hiệp, đã sẵn sàng và chuẩn bị rất lâu và hôm nay đã thành công. Đây là nhờ nỗ lực từ chính quyền địa phương, các sở, ban ngành đã hỗ trợ, luôn đồng hành cùng chúng tôi, giúp người nông dân phát triển bền vững sạch và xanh”.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nắm rõ tiêu chuẩn và quy trình đánh giá và xây dựng chiến lược kinh doanh, xuất khẩu phù hợp cho dòng cà phê đặc sản trong xu thế chung khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, vừa qua Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp Trung tâm Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm (Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ) tổ chức hội nghị về tập huấn đổi mới công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ. Qua đó, phổ biến một số nội dung để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Lộ trình đổi mới công nghệ tại Việt Nam cho các ngành nghề sản xuất kinh doanh; Chiến lược kinh doanh số hóa, quy trình quảng cáo và vận hành doanh nghiệp số tối ưu.

Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm (Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ) cho biết:  “Nghị định 80 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực 15/10/2021, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận với nguồn hỗ trợ. Từ nguồn này, hiện tại không chỉ Gia Lai mà cả nước cũng thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 97% họ sẽ được tiếp cận như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ về Sở hữu trí tuệ và Nghị định này quy định rõ ràng , các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nguồn này.”

Hiện tại, diện tích cà phê đặc sản của Gia Lai mới chỉ chiếm trên 200 ha. Theo Đề án phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh, đến năm 2025, Gia Lai phấn đấu có trên 1 nghìn ha diện tích cà phê Robusta đặc sản, với sản lượng khoảng 620 tấn, đến năm 2030 diện tích này đạt khoảng 2 nghìn 300 tấn, sản lượng khoảng 1 nghìn 700 tấn. Việc từng bước xây dựng và mở rộng diện tích cà phê đặc sản sẽ góp phần phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Gia Lai trên thị trường thế giới.

Thúy Diện, Duy Linh


Lượt xem: 21

Trả lời