Bước khởi đầu cho ngành Tre Gia Lai

Cập nhật 07/10/2023, 09:10:09

Gia Lai là tỉnh có tiềm năng về đất đai rộng lớn phù hợp với nhiều loại cây trồng. Nhằm mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, vừa qua, Sở NN&PTT tỉnh Gia Lai đã tổ chức Đoàn đi tham quan, làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến cây tre. Qua chuyến đi, những định hướng mới đã được mở ra, là bước khởi đầu cho phát triển ngành Tre tại Gia Lai.

Đoàn của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai với sự tham gia của một số doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn tỉnh đã đến tham quan vùng nguyên liệu cây luồng (một họ của cây tre) ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Tỉnh Thanh Hóa có hơn 78.000 ha luồng; bình quân mỗi năm cung cấp khoảng 2,4 triệu tấn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu với giá trị sản xuất hàng năm đạt trên 550 tỷ đồng, xuất khẩu đạt gần 2,2 triệu USD. Cây luồng được xem là cây xóa đói, giảm nghèo ở các huyện miền núi của Thanh Hóa.

Ông Lê Văn Khanh – Thôn Tân Tiến, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Cây luồng thì trồng đến năm thứ 5 thì bắt đầu tỉa, song đến năm thứ 7 là bắt đầu thu hoạch, bình quân mỗi ha là được 30 triệu; từ năm thứ 8 trở đi thì được từ 40 đến 45 triệu/ha.”

Tiếp đó, Đoàn đã đến tìm hiểu dây chuyền sản xuất của Công ty Bamboo King Vina – một trong những doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến tre biến tính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Dù mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm, song các sản phẩm làm ra từ cây luồng đều rất đa dạng về mẫu mã, từ đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ hay đồ nội thất, vật liệu xây dựng với độ bền như các sản phẩm được làm bằng chất liệu gỗ vì đã được xử lý qua công nghệ biến tính.

Ông Đỗ Quốc Thái – Chủ tịch HĐQT Công ty Bamboo King Vina, Thanh Hóa cho biết: “Công nghệ biến tính làm thay đổi tính chất cơ lý dưới điều kiện áp suất cao, hơi nước bão hòa và sử dụng phản ứng của tôi vôi thì cây tre được khoáng hóa nên mang độ bền rất cao, chịu đựng được tia UV ngoài trời và chống được mối mọt.”

Cây tre là cây đa mục đích, phù hợp với nhiều chất đất; vừa là cây lâm nghiệp và vừa là cây trồng phát triển kinh tế. Ở nước ta có khoảng 1,4 triệu ha, phân bố đều ở các địa phương. Với xu thế phát triển khi thị trường thế giới đang chuyển dịch sang sử dụng nguyên liệu xanh nên vật liệu từ tre được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, song nguồn cung chủ yếu là thị trường Trung Quốc, chiếm 98%. Qua chuyến tham quan, làm việc, các doanh nghiệp đánh giá cao về tiềm năng phát triển cây tre ở tỉnh Gia Lai và cam kết đi khảo sát, hỗ trợ tỉnh phát triển vùng nguyên liệu và khi đủ điều kiện sẽ thành lập nhà máy chế biến.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Sao Thái Dương, Hà Nội nói: “Khi mà bà con và các doanh nghiệp đã tạo ra được vùng nguyên liệu đủ lớn, đảm bảo cung cấp đủ 1.000 tấn tre nguyên liệu/ngày thì chúng tôi sẽ sẵn sàng xây dựng nhà máy để bao tiêu hết nguyên liệu mà bà con sản xuất.”

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai thông tin: “Vừa qua thì tỉnh đã chỉ đạo, đánh giá lại toàn bộ diện tích chuyển rừng nghèo sang trồng cao su thì hiện nay chúng ta có khoảng 20.000 ha cao su kém phát triển. Chúng tôi dự kiến toàn bộ diện tích này sẽ trồng cây tre để phát triển ngành công nghiệp tre biến tính. Với vùng nguyên liệu như vậy thì chúng ta sẽ phát triển được một ngành công nghiệp tre biến tính để phục vụ thị trường trong tỉnh, trong nước và thậm chí là xuất khẩu.”

Chuyến tham quan mô hình trồng, chế biến tre biến tính của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai tại tỉnh Thanh Hóa và TP. Hà Nội được xem là bước khởi đầu để mở thêm một hướng đi mới là phát triển ngành Tre trên địa bàn tỉnh. Song cần thận trọng và phải có sự bảo đảm của doanh nghiệp về xây dựng nhà máy chế biến khi tỉnh Gia Lai phát triển được vùng nguyên liệu.

Đức Hải


Lượt xem: 3

Trả lời