Bước chuyển mình ở Phú Thiện

Cập nhật 19/8/2017, 15:08:27

Sau 10 năm được thành lập, đến nay huyện Phú Thiện đã có những bước chuyển mình trên mọi lĩnh vực. Là địa phương nằm ở trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai nên việc thu hút đầu tư cũng như phát triển dịch vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp khá thuận lợi. Bên cạnh đó, huyện Phú Thiện còn có tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng lòng hồ Ayun Hạ, có nguồn nước dồi dào phục vụ phát triển cây lúa nước. Tất cả những tiền đề đó đã tạo nên một Phú Thiện hôm nay với bao đổi thay, hứa hẹn về một vùng đất có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế – xã hội.

Dọc theo Quốc lộ 25 từ ngã 3 Chư Sê về Phú Thiện, dừng chân tại  đèo Chư Sê nối xã Hbông (huyện Chư Sê) với xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện), từ trên cao phóng tầm mắt ra xa, chúng ta cảm nhận được một bức tranh đẹp giữa đại ngàn Tây Nguyên. Và thật không nói quá khi Phú Thiện được mệnh danh là vùng đồng bằng trên Cao Nguyên. Một trong những kỳ tích có dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương phải kể đến công trình thủy lợi Ayun Hạ có sức tưới cho 13.500 ha cây trồng các loại. Đất đai màu mỡ cộng với nguồn nước tưới dồi dào nên năng suất cây trồng được tăng cao, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Bà Trần Thị Hiền, Thôn Glung B, Xã Ia Ke, huyện Phú Thiện cho biết: “Tôi vào đây hơn 20 năm rồi, trước đây cuộc sống nghèo khổ lắm, đất đai không màu mỡ nên năng suất cây trồng rất kém. Còn bây giờ được sự quan tâm của nhà nước, nhất là có công trình thủy lợi Ayun Hạ nên nguồn nước dồi dào, người dân trồng lúa xanh tốt lắm, cuộc sống của người dân cũng khấm khá nhiều”.

Không chỉ dừng lại ở việc hưởng lợi nguồn nước Ayun Hạ cung cấp cho những cánh đồng lúa mà hiện nay huyện Phú Thiện còn không ngừng nâng cao năng suất cây trồng bằng việc thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, theo đó địa phương đã xây dựng được 8 cánh đồng lớn đối với cây mía trên 180 ha, và 16 cánh đồng lớn – một giống đối với cây lúa với tổng diện tích trên 628 ha.

Ông Phạm Ngọc Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện cho biết: “Trong những năm gần đây đối với HTX Chư A Thai nói riêng và huyện Phú Thiện nói chung thực hiện cánh đồng lớn 1 giống đối với cây lúa thì chúng tôi đã vận động bà con thực hiện trên diện tích là 60 ha trong đó là giống lúa LH12 và TBR225 theo nguồn chính sách hỗ trợ của nhà nước vừa sản xuất lúa giống, vừa sản xuất gạo, đảm bảo gạo một giống đưa thương hiệu gạo Phú Thiện trong thời gian tới. Về năng suất thì cho đến giờ này những cây ứng dụng đưa vào lúa càng ngày càng cho năng suất cao, đạt từ 8 đến 9 tạ/sào và giá cả hiện nay đã đáp ứng nhu cầu của người dân”.

Ngoài lợi thế về phát triển nông nghiệp, huyện Phú Thiện còn có tiềm năng về phát triển du lịch. Khu Du lịch sinh thái lòng Hồ Ayun Hạ khởi nguồn cho cánh đồng lúa trù phú Ayun Hạ và cũng là điểm du lịch sông nước có cảnh quan khá đẹp, lòng hồ trong xanh lồng lộng nằm giữa bạt ngàn rừng nguyên sinh. Du lịch trên lòng hồ nhìn về phía Bắc là hai dãy núi sừng sững ôm lấy dòng sông Ayun hiền hòa; từ đây nguồn nước mát theo kênh chính dài 47km, uốn lượn chạy dài xuống thị xã Ayun Pa tạo nên bức tranh thiên nhiên, hài hòa và trù phú. Để khai thác tối đa tiềm năng trong lĩnh vực này, huyện Phú Thiện đã và đang kêu gọi đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái ở đây.

Ông Trần Quốc Khánh, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Phú Thiện cho biết: “Đối với huyện Phú Thiện thì lợi thế lớn nhất của huyện là phát triển kinh tế nông nghiệp, lợi thế lớn nhất là công trình thủy lợi Ayun Hạ, thứ hai là diện tích đất phù hợp với cây lúa, cây mía và một số loại cây trồng khác kể cả cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. …

Về phát triển du lịch chúng tôi cũng chỉ đạo người đứng đầu các cấp, các ngành như phòng Văn hóa Thông tin. Và khi mỗi ngành đã xác định được nhiệm vụ của mình thì mới chuyển biến được hành động. Tiếp theo chúng tôi cũng xác định được đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật cho du lịch, dù địa  phương còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cũng đã xác định từng bước bằng ngân sách của huyện kêu gọi xã hội hóa trong phát triển du lịch”.

Với những lợi thế trong phát triển nông nghiệp, Phú Thiện đã khẳng định vị trí là vựa lương thực lớn của tỉnh Gia Lai và khu vực. Mỗi năm địa phương sản xuất trên 70 ngàn tấn lúa, năng suất lúa Đông – Xuân  đạt tới 10 đến 11 tấn/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,34 triệu đồng, gấp hơn 2 lần so với những năm đầu huyện mới thành lập. Chắc chắn với những quyết sách đã và đang được triển khai, nhất định trong tương lai không xa, huyện Phú Thiện sẽ phát triển bền vững để trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Đông Nam của tỉnh Gia Lai./.

Lệ Xuân,  Minh Trung


Lượt xem: 39

Trả lời