Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình làm việc với tỉnh Gia Lai

Cập nhật 28/2/2014, 08:02:46

Theo kế hoạch làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, sáng 27/2, Đoàn công tác của Bộ nội vụ do Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Thái Bình làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai. Làm việc với đoàn có PBT tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và sở nội vụ tỉnh.

 

 

Đ/C Nguyễn Thái Bình-Bộ trưởng Bộ nội vụ, phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã nghe lãnh đạo sở nội vụ báo cáo khái quát về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của ngành nội vụ trong năm 2013, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2014. Trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành nội vụ, Gia Lai đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác một số nội dung như: Nên giao biên chế tăng thêm hàng năm, không nên giao biên chế mà địa phương đã có; khuyến khích cán bộ công chức đã có bằng cấp đi học từ xa để nghiên cứu, mở rộng hiểu biết, hạn chế tình trạng tốt nghiệp THPT rồi đi học từ xa. Bên cạnh đó, để tuyển dụng công chức viên chức có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cần có sự phân biệt về trình độ và hình thức đào tạo, không nên đánh đồng giữa các loại hình đào tạo. Gia Lai cũng kiến nghị Bộ nội vụ phối hợp với các ngành chức năng tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét có phương án giải quyết dứt điểm tuyến địa giới hành chính giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Thái Bình đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2013 và ghi nhận những đề xuất kiến nghị của tỉnh và sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất. Bộ trưởng cũng lưu ý Gia Lai cần bám sát chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, cải cách chế độ công vụ, công chức để cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả. Tỉnh sớm xây dựng đề án việc làm của từng cơ quan, đơn vị, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, đồng thời chỉ đạo các vụ trực thuộc khi giao biên chế cho địa phương cần nêu rõ tỉ lệ biên chế dành cho người dân tộc thiểu số, cũng như tính toán đến quỹ biên chế dự phòng dành cho người dân tộc thiểu số để phát triển nguồn nhân lực tại chỗ./.

Thiên Thanh-Dim


Lượt xem: 58

Trả lời