Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị của cử tri Gia Lai

Cập nhật 22/11/2022, 10:11:58

 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai vừa có văn bản về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi sau Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV.

Nội dung kiến nghị: Đề nghị Chính phủ bổ sung đủ biên chế giáo viên cho tỉnh Gia Lai theo định mức quy định. Trong trường hợp Trung ương không bổ sung biên chế giáo viên cho năm học 2022-2023, đề nghị có văn bản cho phép địa phương không tiếp tục tinh giản biên chế giáo dục và được phép hợp đồng giáo viên đứng lớp trong định mức quy định, kinh phí trả lương hợp đồng trong phạm vi ngân sách địa phương tự cân đối.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời ý kiến cử tri như sau: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026. Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập, trong đó tỉnh Gia Li được bổ dung 1.244 biên chế giáo viên năm học 2022-2023. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai có ý kiến với UBND tỉnh khẩn trương tổ chức tuyển dụng giáo viên ngay sau khi được giao biên chế bổ sung; đồng thời tập trung đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; hình thành trường phổ thông nhiều cấp học; xây dựng nhà công vụ để tạo điều kiện cho giáo viên dạy liên trường yên tâm công tác; giải quyết tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ; thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Đặc biệt ưu tiên biên chế giáo viên đối với địa bàn vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn hoặc bố trí kinh phí để hợp đồng lao động đối với những trường còn thiếu biên chế để tuyển giáo viên.

Cử tri Gia Lai kiến nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo không tích hợp môn Lịch sử với môn học khác mà phải là môn học bắt buộc đối với bậc trung học phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế theo hai giai đoạn (giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm, từ lớp 1 đến lớp 9 và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm, từ lớp 10 đến lớp 12). Giai đoạn giáo dục cơ bản: Môn lịch sử và môn Địa lý là môn học bắt buộc từ lớp 4 đến lớp 9 (đối với lớp 4 và lớp 5 là môn Lịch sử và Địa lý; đối với các lớp từ lớp 6 đến lớp 9, môn Lịch sử và Địa lý bao gồm 2 phân môn riêng Lịch sử, Địa lý và môn Lịch sư không tích hợp với các môn khác). Với cách thiết kế chương trình môn Lịch sử, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Môn lịch sử là môn lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp được bố trí trong tổ hợp khoa học xã hội.

Đối với Chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông, môn Lịch sử được quy định là môn học bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học/lớp; đồng thời có phần lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp với thời lượng 35 tiết học/năm học/lớp.

          Với kết cấu như trên, cùng với yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã cụ thể hoá đầy đủ chủ trương đổi mới giáo dục lịch sử, thực hiện đầy đủ những quan điểm, mục tiêu và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.


Lượt xem: 1

Trả lời