Bệnh trắng lá mía bùng phát – nông dân khốn đốn

Cập nhật 03/7/2015, 09:07:25

Niên vụ mía 2014 – 2015  huyện Ia Pa có hơn 800ha mía bị nhiễm bệnh trắng lá và đến niên vụ mía 2015-2016 bệnh trắng lá mía lại tiếp tục bùng phát và lây lan trên diện rộng. Do chưa có thuốc đặc trị nên việc phòng trừ loại bệnh này gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết những diện tích bị nhiễm bệnh bà con buộc phải cuốc bỏ hoặc luân canh sang trồng các loại cây khác, làm thiệt hại lớn đến kinh tế của người nông dân. 

 

 Cánh đồng mía thuộc địa bàn thôn Bi Gia xã Pờ Tó Huyện Ia Pa

        Trên cánh đồng thuộc địa bàn thôn Bi Gia xã Pờ Tó Huyện Ia Pa, trong niên vụ mía năm 2015-2016, tại khu vực này, rất nhiều diện tích đã bị bệnh trắng lá, nhiều vùng mía bị bệnh chiếm hơn 90% diện tích. Theo số liệu thống kê mới nhất của Trạm bảo vệ thực vật huyện Ia Pa, hiện toàn huyện đã có tới 615ha mía bị nhiễm bệnh. Trong đó, diện tích nhiễm nặng tỷ lệ hại trên 30% là 148,7ha, diện tích trung bình tỷ lệ hại từ 15 đến dưới 30% là 116ha, diện tích nhiễm nhẹ tỷ lệ hại từ 1% – 15% là 350,9ha, chủ yếu tập trung ở các cánh đồng mía xã Kim Tân, Chư Răng, Pờ Tó.

      Tại khu vực Thôn Đoàn Kết xã Chư Răng nhiều bà con có diện tích mía bị bệnh trắng lá đã tập trung phá bỏ thay thế bằng cây mì. Tuy nhiên, vì tiếc của nên một số hộ vẫn giữ lại những diện tích bị nhiễm nhẹ và chủ động cuốc bỏ những cây bị bệnh đem đi tiêu hủy.

        Bà Nguyễn Thị Tuyết, Thôn Đoàn Kết xã Chư Răng, huyện Iapa bức xúc: “Nhà tôi mới trồng mía năm đầu tiên vậy mà sau khi thu hoạch đến nay đã bị trắng hết 3ha rồi, tôi đã phải cày đi để trồng mì, diện tích còn lại cũng bị trắng hết, ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế của nông dân. Chúng tôi làm nông nên làm được đồng tiền rất là vất vả, ngay đầu tư ban đầu đã là 17 triệu đồng/ha, mà gia đình tôi có 06ha thiệt hại rất lớn. Bệnh trắng lá mía lây lan mà chúng tôi không biết làm cách nào để mà chữa được, thuốc đặc trị không có nên buộc phải cuốc đi, mà cuốc đi rồi thì những cây bên cạnh cũng vẫn bị trắng, nên nông dân rất khốn đốn từ năm ngoái đến năm nay, nhìn cây mía rất đau lòng”.

          Cũng giống như gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết, bà Nguyễn Thị Côi – Thôn Đoàn kết, xã Chư Răng có 1,5 ha mía nhưng đến nay đã bị nhiễm bệnh gần hết, tỷ lệ nhiễm khoảng từ 20 – 30%. Hầu hết những cây bị nhiễm bệnh đều không phát triển được và lụi dần, mặc dù gia đình bà đã chăm sóc và bón phân đầy đủ. Do chi phí đầu tư lớn, gia đình lại khó khăn nên bà buộc phải giữ lại số diện tích mía bị nhiễm bệnh với hy vọng sẽ vớt vát được số vốn đã bỏ ra.

         Bà Nguyễn Thị Côi, thôn Đoàn Kết xã Chư Răng – huyện Ia Pa nói: “Nhà tôi thì đây là vụ mía thứ 2, vụ trước cũng bị trắng lá nhưng vụ này lại bị trắng tiếp, vụ trước thì thu hoạch không ăn thua, bị lỗ vì cuốc đi nhiều, rồi vụ này lại tiếp tục như vậy”.

          Theo kết luận của cơ quan chuyên môn, bệnh trắng lá mía là do Phytoplasma gây ra, đây là dạng bệnh nằm trung gian giữa vi khuẩn và virut nên rất khó tìm cách diệt trừ và đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị loại bệnh này. Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương các xã hướng dẫn bà con phá bỏ được 122,1ha, xử lý tương đối sạch bệnh 154,9ha.

        Bà Nguyễn Thị Hường , Trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Ia Pa cho biết:“Bệnh trắng lá mía nguyên nhân là do Phytoplasma gây ra.Trong quá trình điều tra, nắm bắt thì bệnh trắng lá mía gây hại nhiều ở những diện tích thu hoạch muộn vào khoảng tháng 5, sau khi thu hoạch mía sinh trưởng và phát triển trong điều kiện khô hạn thì bệnh này phát triển rất mạnh. Kế hoạch tới đây chúng tôi sẽ phối hợp Phòng nông nhiệp, Trạm khuyến nông, các trạm nông vụ của nhà máy đường và UBND các xã tiến hành mời những hộ có diện tích mía bị bệnh trắng lá về UBND xã để tuyên truyền, trao đổi và hướng dẫn bà con cách phòng trừ”.

        Cơ quan chuyên môn khuyến cáo: Bà con nông dân phải thường xuyên thăm đồng đối với diện tích mía thời kỳ cây con, nếu phát hiện mía bị nhiễm nhẹ cần nhổ cây bị bệnh đưa ra ngoài đốt hoặc chôn sâu 50cm và rắc vôi vào hốc những cây bị bệnh để hạn chế mức độ lây lan. Đối với diện tích mía bị nhiễm nặng có tỷ lệ trên 30% tổng diện tích thì cần tiến hành cày tiêu hủy, sau đó luân canh 1-2 năm với các cây trồng khác trước khi trồng lại mía. Riêng đối với những diện tích mía trồng mới nên chọn các loại giống có nguồn gốc rõ ràng, không vận chuyển mía từ vùng bị nhiễm bệnh sang vùng chưa nhiễm bệnh./.

Lê Hưng – Như Loan ( Ia Pa)


Lượt xem: 69

Trả lời