Bệnh khảm lá virus ở cây mì tiếp tục xuất hiện trên địa bàn huyện Krông Pa

Cập nhật 15/7/2021, 09:07:08

Krông Pa là một trong địa phương có diện tích trồng cây mì nhiều nhất tỉnh và đây cũng là cây trồng chủ lực của bà con trên địa bàn huyện. Thế nhưng, những năm gần đây, bệnh khảm lá virus đã xuất hiện trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại đối với nhiều nông dân. Từ chỗ chỉ có hơn 10 ha mì bị khảm lá virut vào năm 2018, thì đến năm 2020 diện tích bị khảm lá là khoảng 11.000 ha, chiếm hơn 50% tổng diện tích mì trên địa bàn huyện.

Vụ Mùa năm 2021, nông dân bắt đầu trồng cây mì từ cuối tháng 4. Thời gian đầu, nhờ dày công chăm sóc nên diện tích mì sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, đến giai đoạn cây mì được gần 2 tháng tuổi thì một số diện tích trên địa bàn huyện đã bắt đầu nhiễm bệnh khảm lá virus với số lượng ngày một tăng.

Ông Ksor Yang – Buôn Chư Bang, xã Chư Gu, huyện Krông Pa cho biết: “Trước đây khi mà cây mì chưa bị bệnh khảm lá thì với diện tích hiện tại, nhà tôi thu hoạch được 2 xe mì nhưng từ khi bị bệnh là chỉ còn 1 xe. Tôi mong muốn các cấp có biện pháp nào xử lý bệnh này, để cho năng suất và chất lượng của mì cao hơn.”

Tương tự như ông Ksor Yang, anh Y Duy Ni Ê ở buôn Ia Prông, xã Đất Bằng trong những ngày qua cũng hết sức lo lắng trước tình trạng phần lớn diện tích mì của gia đình bị bệnh khảm lá.

Anh Y Duy Ni Ê – Buôn Ia Prông, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa nêu: “Tôi trồng từ 30 tháng 4 năm 2021, với diện tích là 1ha, với 1ha đó thì diện tích cây mì của tôi bị khảm là hơn 70%. Mong muốn của tôi là kính đề nghị hội nông dân xã và Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện kiếm được giống cho bà con chống chịu được bệnh khảm lá trên cây mì để bà con yên tâm sản xuất, sang năm là chuyển đổi cây giống mới cho bà con để đạt năng suất cao.”

Bệnh khảm lá mì xuất hiện lần đầu tiên trên địa bàn huyện Krông Pa vào năm 2018, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh khảm lá trên cây mì nên để phòng, trừ bệnh hiệu quả thì biện pháp tốt nhất là sử dụng hom giống sạch.

Ông Đinh Xuân Duyên – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Pa trao đổi:  “Huyện cũng đã chỉ đạo lấy kinh phí từ nguồn kinh phí chống hạn mua giống KM 94 cấp phát cho dân, giống KM 94 thì ít bị khảm hơn, diện tích cũng được khoảng 800 ha và từ năm sau sẽ tiếp tục nhân rộng giống KM 94 để thay thế dần cho các giống đang bị khảm như hiện nay. Về phía chuyển đổi cây trồng thì huyện cũng đã có những chỉ đạo tính toán về sản lượng và sản phẩm đầu ra của nhân dân, huyện cũng đã có chủ trương chuyển đổi trồng một số cây ăn quả để mà làm sao đó hình thành một thị trường thì từ đó nhân dân mới có đầu ra để đảm bảo thu nhập cho mình, diện tích cây ăn quả cũng không thể chuyển ồ ạt được mà phải chuyển từng bước một. Trước mắt thì vẫn phải sản xuất cây mì để phục vụ công việc chế biến của hai nhà máy; trong quá trình sản xuất cây mì thì tiếp tục hướng dẫn nông dân phòng các bệnh virus hại sắn, thứ hai là áp dụng các quy trình kỹ thuật có tưới và trồng rãi vụ ra để nâng cao hiệu quả của cây sắn”.

Theo kế hoạch, năm nay tổng diện tích gieo trồng cây mì toàn huyện Krông Pa khoảng 21.000 ha, đến thời điểm hiện tại nông dân đã gieo trồng hơn 90% diện tích. Với những nỗ lực của các cơ quan chuyên môn cùng nông dân, hy vọng bệnh khảm lá mì trên địa bàn huyện Krông Pa sẽ từng bước được khống chế, ngăn chặn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại đối với cây trồng này/.

  CTV Nguyên Anh  (Huyện Krông Pa)


Lượt xem: 40

Trả lời