Bàu Cạn – Nơi ươm mầm những hạt giống cách mạng

Cập nhật 18/8/2017, 13:08:25

Là nơi khởi đầu của phong trào Công hội đỏ ở Gia Lai, đồn điền chè Bàu Cạn ngày ấy (nay thuộc xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) được xem là cái nôi hoạt động của cách mạng, nơi ươm mầm những hạt giống cách mạng như Nguyễn Khoa, Trương Quang Được, Hà Thế Hạnh… Và câu chuyện kể sau đây của một trong những người đã từng tiếp nối truyền thống cha,anh tham gia hoạt động cách mạng  tại đồn điền chè Bàu Cạn sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu hơn về vùng đất này.

Ở tuổi 76, dù mắt có mờ và chân có chậm bước hơn, thế nhưng ký ức của những ngày tham gia cách mạng tại đồn điền chè Bầu Cạn với bà Sáu Huỳnh (tên thật là Nguyễn Thị Huỳnh) hiện đang sống tại thôn Đoàn Kết (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) vẫn như còn vẹn nguyên trong tâm trí. Đôi mắt thỉnh thoảng lại ngấn lệ, và rồi bà kể cho chúng tôi nghe về một thời đấu tranh gian khổ. Năm 15 tuổi theo chị gái từ Bình Định lên Gia Lai vào làm công nhân tại đồn điền chè Bàu Cạn, chứng kiến phong trào hoạt động cách mạng sôi nổi của công nhân trong đồn điền, rồi tận mắt chứng kiến cảnh cha bị địch bắt, tra tấn nên năm 1964, khi tròn 22 tuổi, bà quyết tâm theo làm cách mạng. Hoạt động cách mạng, nhưng ở trong nhà máy dưới sự giám sát của Thực dân Pháp nên rất khó khăn, do đó bà quyết định ra ngoài và tham gia công tác đưa tin liên lạc cho cách mạng dưới vỏ bọc của một công nhân hái chè.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh (Sáu Huỳnh) – thôn Đoàn Kết, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, Gia Lai kể lại: “Thấy đau khổ thì mình đi , mình đi tham gia phong trào  không nghĩ gì hết, ai bên đây nói gì nói mặc kệ, cứ nghĩ vậy là làm thôi. Coi như tin tức là vậy, đừng có thay đổi gì rồi lỡ có gì xảy ra thì ảnh hưởng bộ đội. Ở đây  mình cũng bình thường , ví dụ ra chợ mua cái gì, nó họp hành bàn với nhau mình đi ngang mình nghe và sau đó đi hái chè thì nói lại”.

Là một trong những mắc xích quan trọng của phong trào đấu tranh cách mạng, tranh thủ thời gian hái chè ban ngày và những khi gánh nước 1 hoặc 2 giờ sáng, bà ngụy trang đưa tin cho cách mạng. Ngày ấy, đồn điền rộng mênh mông; tuy nhiên để tránh sự phát hiện của thực dân Pháp và đảm bảo cho việc liên lạc tin tức với cách mạng, bà chọn một gốc cây để mang thuốc hoặc vật dụng thiết yếu cho bộ đội rồi giấu vào đó. Mọi hoạt động đều phải hết sức cẩn trọng, không được sơ suất bởi nếu bị bại lộ sẽ ảnh hưởng và nguy hiểm cho chiến sĩ của ta; trong trường hợp nếu “bị động” sẽ được điều chuyển đi chỗ khác.

Bà  Huỳnh kể lại: “Hồi đó dưới quyền nó, nó nói gì mình phải nghe đấy, nếu không nghe thì nó đuổi, nó không cho và cũng không bồi thường cái gì cho mình hết. Mình thấy đường lối cách mạng của mình rõ ràng quá mà sao không biết”.

Với đặc thù nhiệm vụ được phân công, trong suốt những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng, mỗi gốc chè với bà Sáu Huỳnh là một kỷ niệm về truyền thống đấu tranh kiên trung của phong trào công  nhân ngày ấy; và hôm nay, những chứng tích xưa giờ đây đang làm nên diện mạo mới của một Bàu Cạn nói riêng, một Gia Lai nói chung giàu truyền thống và không ngừng phát triển./.

Mỹ Tiến, Xuân Huy

 

.


Lượt xem: 70

Trả lời