Bảo tồn văn hóa các dân tộc bản địa để phát triển bền vững

Cập nhật 20/9/2020, 09:09:07

Với 13 di tích cấp quốc gia; 13 di tích cấp tỉnh, 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa quốc gia cùng rất nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, Gia Lai đang sở hữu một kho tàng văn hóa, lịch sử đồ sộ, phong phú. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành thì bà con Bahnar, Jrai và cộng đồng các dân tộc trong tỉnh-những chủ nhân của di sản đã ra sức bảo vệ và phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, từng bước dựa vào di sản để phát triển.   

Với nghệ nhân Nay Phai, thị trấn Phú Túc, huyện Kông Pa, cồng chiêng như một phần không thể thiếu trong đời sống. Bất cứ khi nào có dịp, thì ông cùng các nghệ nhân của buôn làng đều lựa chọn những bộ trang phục đẹp nhất; những bài chiêng hay nhất để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước. Từ núi rừng Tây Nguyên, tiếng chiêng của ông đã vang lên rộn rã trên nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Ông rất tự hào khi Gia Lai là tỉnh có số lượng cồng chiêng lớn nhất khu vực Tây Nguyên và đã tổ chức thành công những lễ hội cồng chiêng mang tầm quốc gia và quốc tế, giúp người Tây Nguyên thêm tự hào, ra sức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân Ưu tú Nay Phai, Thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa chia sẻ: “Mình rất thích, rất đam mê với văn hóa của dân tộc, trong giờ phút này mình rất xúc động. Ở Tỉnh Gia Lai đã  có 2 lần Festival là năm 2009 và giờ là năm 2018, cảm giác trong lòng làm sao ấy, rất xúc động.  Bà con các buôn làng khắp nơi, gần xa đến đây là rất tuyệt vời.  Qua đây bà con sẽ hiểu, tự hào rồi cùng truyền dạy cho con cháu để làm sao bảo tồn cồng chiêng của cha ông mình”.

Tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018, diễn ra tại Gia Lai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việc gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị của Không gian Văn hóa Cồng chiêng chính là gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên truyền thống. Vì vậy, Gia Lai, Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng, hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn của một vùng đất sử thi.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Đảng và Nhà nước gửi gắm sứ mệnh gìn giữ không gian này cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên, cùng nhau gìn giữ môi trường tự nhiên, môi trường sống, bảo tồn hệ sinh thái và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi giàu sắc thái huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên. Tôi tin rằng, không ai làm tốt hơn việc này bằng đồng bào của mình ở đây, những chủ thể đích thực của di sản độc đáo này”.

Nhằm phát huy giá trị, tạo sức sống cho di sản, Gia Lai đã dành sự quan tâm rất lớn cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích; khôi phục các lễ hội truyền thống ngày càng đậm đà bản sắc dân tộc.

Di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện- bằng chứng lịch sử phát triển cư dân Jrai tại Tây Nguyên từ nửa cuối thế kỷ XV, nay được đầu tư với nhiều công trình kiến trúc nổi bật như: Nhà để gươm, nhà trưng bày, nhà sàn người Jrai, sân lễ hội…gắn với tổ chức “Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui” hàng năm, đã trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, là các điểm di tích Tây Sơn Thượng Đạo; Di chỉ Khảo cổ học đá cũ An Khê; Di tích lịch sử cách mạng khu 10 Krong và rất nhiều danh thắng khác được tỉnh quân tâm đầu tư, tôn tạo đem lai một diện mạo tươi mới. Đặc biệt, nhiều lễ hội truyền thống của người Tây Nguyên như: Lễ cầu mưa; mừng lúa mới; mừng nhà rông mới…..Sau thời gian bị mai một nay được ngành văn hóa, chính quyền địa phương phục dựng một cách nguyên bản, hướng về chủ thể người dân, chuyển tải thông điệp, đưa bà con trở về với bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Già làng Ksor Chuel, Buôn Rưng Ama Nin, xã Ia Bol, thị xã Ayun Pa, Gia Lai nói: “Là lễ hội truyền thống rất quan trọng của người Jrai. Lễ hội là dịp già làng, trưởng bản gặp nhau gửi gắm tình cảm giữa các thôn xóm; gửi gắm tình cảm đến con cháu, bà con biết đoàn kết, biết giữ gìn văn hóa của mình. Cùng phát triển buôn làng được giàu đẹp hơn”.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó GĐ Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San cho biết: “Chúng ta là người hậu thuẫn, còn chủ thể vẫn là bà con thực hiện. Như lễ cầu mua thì bà con gần như giữ nguyên bản truyền thống. Qua việc phục dựng như thế này, không chỉ bảo tồn văn hóa hiện hữu chúng ta nhìn thấy mà còn có những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp khác trong cộng đồng mà bà con sẽ hiểu, và gìn giữ, bảo tồn tốt hơn”.

Thực tiễn sinh động đã khẳng định kết quả đáng mừng đó là: Các di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang được bảo tồn, phát huy giá trị cả về vật thể và phi vật thể.

Chúng ta tin tưởng rằng: Bằng sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành; sự chuyển biến trong nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số- Những chủ nhân của di sản, thì các giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn và có bước phát triển vững mạnh trong nhịp sống hiện đại.

Kim Ngân, Viễn Khánh, Ksor Tuối


Lượt xem: 101

Trả lời