Anh Trần Văn Xuân thành công với mô hình trồng su su

Cập nhật 01/3/2021, 10:03:33

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, anh Trần Văn Xuân ở làng Bối, xã Hòa Phú, huyện Chư Pah đã chọn cây su su trồng lấy ngọn để phát triển kinh tế gia đình. Với mô hình này,  sau khi trừ chi phí đầu tư, vườn su su 1,6 ha đang mang lại cho anh Xuân nguồn thu nhập 100 triệu đồng/tháng.

Năm 2019, khi vườn cà phê 3 ha đã đến thời kỳ già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp, anh Trần Văn Xuân quyết định phá bỏ 1,6 ha để trồng cây su su lấy ngọn theo quy trình VietGAP. Theo đó, anh Xuân đầu tư 700 triệu đồng cải tạo lại vườn, mua giống, xây dựng giàn lưới và hệ thống tưới nước phun mưa để cây su su phát triển tốt. Hiện tại, mỗi ngày vườn su su của anh cung ứng ra thị trường khoảng 300-400 kg. Với giá bán ổn định từ 12-15 ngàn đồng/kg, sau khi trừ công thu hoạch và chi phí đầu tư, gia đình thu về khoảng 3-4 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm đọt su su của gia đình đã đăng ký bao bì, nhãn mác được cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận VietGAP nên người tiêu dùng rất yên tâm.

Anh Trần Văn Xuân – Làng Bối, xã Hoà Phú, huyện Chư Pah cho biết: “Cây su su hồi xưa giờ trồng lấy trái thôi, nếu mà chuyển sang cây lấy ngọn nó cũng đòi hỏi về kỹ thuật nhất định về thời vụ trồng, quy trình chăm sóc đặc biệt là nguồn giống, nguồn giống của nó là giống siêu ngọn thì mới cho ra năng suất, chất lượng. Đến giờ phút này chúng tôi đã đúc rút ra kinh nghiệm theo một quy trình sản xuất chuẩn từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo uản để đem đến sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng”.

Su su là cây trồng ưa khí hậu mát mẻ nên vùng đất Hoà Phú rất lý tưởng để su su sinh trưởng, phát triển. Không những vậy, đây còn là cây trồng dễ tính, ít sâu bệnh. Vì vậy, sau một thời gian ngắn xuống giống, toàn bộ diện tích su su đều phát triển rất tốt. Cây su su lấy ngọn không chỉ cho thu hoạch hàng ngày, mà thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ 5-7 năm mới phải trồng lại, nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Hiện nay, sản phẩm ngọn su su của Xuân được chuỗi siêu thị Co.op Mart Sài Gòn, Gia Lai, Kon Tum bao tiêu, ngoài ra còn cung ứng cho chợ đầu mối ở trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc mang nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, anh Xuân còn tạo công ăn việc làm cho 6-8 lao động tại địa phương chuyên chăm sóc và hái ngọn su su để kịp cung cấp cho các đơn vị thu mua. Như vậy, mỗi năm vườn su su của anh giải quyết hơn 2.000 công lao động.

Anh Nguyễn Đức Hiệu- Cán bộ Nông nghiệp xã Hoà Phú, huyện Chư Pah cho biết: “Hộ anh Xuân trên địa bàn xã là một trong những hộ đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ diện tích cây công nghiệp sang mô hình trồng cây su su lấy ngọn. Từ khi anh Xuân bắt đầu chuyển sang, xã cũng theo dõi, động viên anh Xuân và cũng thấy được hiệu quả, xã đã tuyên truyền bà con trong xã hướng theo mô hình anh Xuân. Cái mô hình này anh Xuân làm hoàn toàn theo hướng hữu cơ, được người tiêu dùng ưa chuộng. Định hướng của xã là trong thời gian tới, từ chi hội đoàn thể của thôn, làng và của xã lấy mô hình này làm mô hình tham quan, đặt ra kế hoạch nhân rộng mô hình này trên những địa bàn lân cận, để giải quyết việc làm tăng thu nhập cho bà con”.

Nhờ sự cần cù nỗ lực, vườn ra su su của anh Xuân dần dần đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người biết đến. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp xã Hoà Phú sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích su su, nhằm tạo mọi điều kiện để nhân dân yên tâm sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu rau sạch trên địa bàn.

Ngọc Thuỷ-Bùi Đại (Huyện Chư Pah)


Lượt xem: 188

Trả lời