An Khê khai thác lợi thế về phát triển cây ăn quả

Cập nhật 16/7/2020, 14:07:42

Không chỉ được biết đến với các vùng chuyên canh rau, hoa cao cấp, những năm gần đây, thị xã An Khê còn khai thác có hiệu quả tiềm năng về phát triển cây ăn quả, hứa hẹn sẽ mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho nền nông nghiệp của địa phương. Bài viết ghi nhận kết quả từ mô hình trồng cây quả tại một số vùng trước đây bà con chỉ quen với cây mì, cây mía:

Trước đây, đất này được anh Nguyễn Văn Trí ở thôn An Điền Nam, xã Cửu An trồng mì, mỗi năm thu được khoảng 20 triệu đồng/ha. Cách đây 3 năm, anh Trí quyết định chuyển sang trồng quýt đường và năm nay là năm đầu tiên cho thu bói. Theo tính toán của anh Trí, tuy năm nay là năm đầu cho thu bói, nhưng ước tính sau khi trừ chi phí đầu tư anh còn lãi trên dưới 100 triệu đồng từ 630 gốc quýt đường này. Với kết quả mang lại từ trồng thử nghiệm, anh Trí rất phấn khởi vì đã tìm được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp thay thế cho những loại cây truyền thống như mía, mì.

Anh Trí cho biết: “Trước đây vùng này bà con chủ yếu trồng mì, trồng mía…Mấy năm nay thu nhập từ các cây trồng này khá bấp bênh, nên mới quyết định chuyển sang trồng quýt. Thực tế cho thấy đất này phù hợp cho phát triển cây ăn trái. Hiện nay nhu cầu thị trường về hoa quả khá mạnh, giá cả cũng cao nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn một số loại cây trồng khác. Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 10 hộ chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và thấy hiệu quả”.

Được biết trước anh Trí thì trên địa bàn xã Cửu An đã có một số hộ thành công với các mô hình trồng cây ăn quả. Điển hình như mô hình trồng cam của anh Nguyễn Trung Thành, với 900 gốc, mỗi năm anh Thành thu khoảng 200 triệu đồng. Sở dĩ giá trị kinh tế mang lại cao như vậy là nhờ cam đạt vị ngọt cũng như kích cỡ, điều này cho thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp để trồng cây ăn trái có múi như cam, quýt.

Anh Nguyễn Trung Thành, Thôn An Điền Nam, xã Cửu An, thị xã An Khê, Gia Lai cũng nói: “So với một số loại cây trồng khác thì trồng cây ăn quả thu nhập cao hơn, ổn định hơn, vấn đề đầu ra cũng thuận lợi vì nhu cầu hiện nay về các loại hoa quả khá cao. Bà con ở đây rất kỳ vọng, cây ăn quả sẽ mang đến nhiều cơ hội để nâng cao thu nhập”.

 Hiện tại thị xã An Khê phát triển được hơn 100 ha cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở địa bàn hai xã Cửu An và Song An, với kết quả bước đầu mang lại đã mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp địa phương trong tương lai. Tuy nhiên để chuyển sang hướng đi mới, người dân cũng cần phải cân nhắc, tính toán. Vì ngoài điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu thì kỹ thuật trồng, chăm sóc và vấn đề đầu ra cho sản phẩm cũng rất quan trọng. Thực tế cũng đã có một số bài học kinh nghiệm khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chạy theo phong trào, thời giá rất dễ xảy ra tình trạng cung vượt cầu, xảy ra điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa.

“Hiệu quả kinh tế mang lại cao như vậy nhưng cũng không dám trồng nhiều vì đầu tư ban đầu cao, thời gian thu hoạch dài đến 3 năm mới có thu. Nếu trồng ồ ạt thì việc tiêu thụ sẽ rủi ro”, anh Trí nói.

Phát triển cây ăn quả là định hướng trong sản xuất nông nghiệp của thị xã An Khê hiện nay. Tuy nhiên để tránh tình trạng tự phát, chạy theo phong trào, thị xã đã đánh giá, xác định vùng sản xuất phù hợp, gắn với đó là khuyến khích, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã cùng với nông dân thực hiện chuỗi liên kết sản xuất. Không dừng ở đó, An Khê còn định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, tạo cơ hội để du khách tham quan, thưởng thức sản phẩm tại chỗ – một trong những loại hình đang rất thành công ở nhiều địa phương khác ngoài tỉnh.

Hồng Uyên;  Minh Trí

 


Lượt xem: 141

Trả lời