Ấm no từ cánh đồng lúa vùng biên

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:30

Với nỗ lực giúp nhân dân thoát nghèo để mỗi khi Tết đến Xuân về cuộc sống càng ấm no, hạnh phúc; nhiều mô hình lúa nước đã được huyện Chư Prông triển khai. Từ sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự giúp đỡ của các đơn vị quân đội, những cánh đồng lúa nước ngày càng được mở rộng. Cuộc sống ấm no đang hiện hữu nơi vùng biên giới Chư Prông vốn đầy nắng và gió.

Gia đình ông Siu Kim là một trong 4 hộ ở làng Chư Kó xung phong đi đầu tham gia mô hình làm lúa nước. Sau 4 tháng, với sự giúp đỡ về kỹ thuật, phân bón, ngày công của cán bộ xã, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông và của bộ đội Công ty Bình Dương thuộc Binh đoàn 15, Đồn Biên phòng Ia Púch, vụ lúa đầu tiên đã bội thu, thành công ngoài mong đợi.

Ông Siu Kim – Làng Chư Kó, xã Ia Púch, huyện Chư Prông bày tỏ:  “Bốn hộ chúng tôi đăng ký làm mô hình, trong mô hình này chúng tôi vất vả, nhưng để đạt được mục đích của mô hình thì chúng tôi phải trực thường xuyên và làm những việc để lúa tốt hơn, để đạt được kết quả. Cũng nhiều người vào thăm, hỏi để chuẩn bị năm tới nếu thấy mô hình phát triển thì bà con sẽ làm tiếp. Mô hình này chúng tôi làm đầu, vụ hai tới chúng tôi tự làm thôi. Thấy kết quả này, chúng tôi rất mừng, lúa thì có rồi”.

Gắn bó và cùng đồng hành với người dân tham gia mô hình làm lúa nước tại xã Ia Púch, cùng làm và hướng dẫn họ ngay từ những ngày đầu triển khai, những cán bộ, chiến sĩ của Công ty Bình Dương thuộc Binh đoàn 15 và Đồn Biên phòng Ia Púch; cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và cả hệ thống chính trị của xã Ia Púch đã xác định, với những mô hình như thế này thì chỉ có sự thành công ngay lần đầu để người dân thấy được lợi ích thì bà con mới tự giác thực hiện những vụ mùa sau. Vụ Đông  – Xuân năm 2021 – 2022 với 1,5 ha lúa nước đã thu khoảng 9,2 tấn lúa, bình quân hơn 6 tấn/1ha, năng suất cao hơn rất nhiều so với việc chọc tỉa trước đây; sau khi trừ chi phí đầu tư cho sản xuất, nông dân thu lãi trung bình khoảng trên 20 triệu đồng/ha.

Thượng tá Lưu Văn Đoàn, Nguyên Bí thư Đảng ủy Công ty Bình Dương, Binh đoàn 15 cho biết: “Qua mô hình này, chúng tôi cũng rút ra được: giúp dân cũng là một nhiệm vụ chính trị, nếu mình làm tốt thì dân sẽ theo. Nếu địa bàn các xã khác cũng như trên địa bàn huyện, tiếp tục nhân rộng các mô hình này thì riêng Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty Bình Dương chúng tôi cũng sẽ hưởng ứng tham gia nhiệt tình, làm sao để mô hình lúa nước trên địa bàn huyện tiếp tục được nhân rộng”.

Vụ Đông Xuân năm 2022 – 2023 là vụ thứ 3 các hộ dân ở làng Chư Kó tham gia duy trì và phát triển mô hình làm lúa nước. Vẫn cánh đồng ấy, vẫn những con người ấy nhưng nhận thức, nếp nghĩ cách làm đã thay đổi rất nhiều. Nếu như vụ lúa đầu tiên chủ yếu phụ thuộc vào sự đầu tư, hướng dẫn, giúp đỡ, cầm tay chỉ việc của bộ đội, của cán bộ thì giờ đây mọi thứ đã do bà con hoàn toàn chủ động.

 Ông Siu Kim, Làng Chư Kó, xã Ia Púch, huyện Chư Prông vui vẻ nói: “Sau khi thu hoạch vụ 1 năm 2022, riêng gia đình tôi được 40 bao thì chúng tôi bán 10 bao, để ăn 30 bao. Sau đó chúng tôi làm vụ 2 năm 2022, mới đây thôi thì sau đó chúng tôi tự khai hoang, tự làm. Và đến nay là vụ 1 năm 2023 chúng tôi chuẩn bị làm, đang khai hoang”.

Lúa từ vụ trước đến vụ này vẫn còn, lúa ăn không hết bà con đem bán để lấy tiền chi tiêu. Niềm vui không còn là niềm vui của riêng những hộ dân tham gia mô hình ban đầu nữa mà nó đã trở thành niềm vui chung, niềm hy vọng nhân rộng sự ấm no, hạnh phúc ra nhiều hộ dân khác trong xã, trong huyện.

Ông Kpă Glin, Làng Chư Kó, xã Ia Púch, huyện Chư Prông nói: “Từ xưa, chúng tôi làm nương khô thiếu ăn. Từ khi nhà nước, xã đầu tư vốn để khai hoang cho bà con, trong thời gian đó mình làm ăn được thừa thì mình bán cho họ hàng. Cứ 1 hộ gia đình gồm 2-3 bao gì đó, mình bán cho, cứ 1kg bao nhiều tiền gì đó mình không biết, tùy họ mua 1 bao, 2 bao gì đó thì bán cho họ. Mình làm có cái ăn rồi, thừa ăn rồi thì bán cho họ”.

Sự no ấm đã thấy ngay trước mắt. Từ bốn hộ đầu tiên, đến nay đã có 11 hộ dân tham gia làm lúa nước và số lượng hộ tham gia sẽ ngày càng đông, diện tích được mở rộng.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Púch, huyện Chư Prông cho biết: “Trong những thời gian tới chúng tôi sẽ hy vọng sẽ mở rộng được diện tích này và dần dần thay đổi được cách nghĩ, cách làm của người dân để có nguồn lúa gạo tại địa phương và người dân bớt đi, giảm nghèo trong thời gian tới”.

Cùng với Ia Púch, trên địa bàn xã biên giới Ia Mơr đến nay đã có 55 ha lúa nước Đông Xuân của 72 hộ dân, chủ yếu là của đồng bào dân tộc thiểu số, sản lượng bình quân 6 tấn/1ha. Những thửa ruộng lúa nước trĩu bông chẳng tự nhiên mà có, những hạt gạo trắng phau không tự nhiên chui vào gùi, vào bếp. Để có những mùa vàng bội thu, có những “hạt ngọc trời” mang niềm vui no ấm đến với đồng bào là cả một quá trình không ít những vất vả, khó khăn của  cán bộ trong hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của các đơn vị quân đội; nhưng quan trọng hơn  là sự quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy của bà con người Jrai nơi vùng biên giới đầy nắng và gió này.

Hủ tục đang được đẩy lùi, tập quán canh tác lạc hậu dần phải rời xa. Thay vào đó là mùa màng bội thu, no ấm, đủ đầy. Cuộc sống hạnh phúc chẳng ở đâu xa, nó hiện hữu quanh đây, bên bếp lửa bập bùng với nồi cơm thơm đầy ắp.

CTV Khánh Linh – Rơ Lan Viện (Huyện Chư Prông)


Lượt xem: 10

Trả lời