3 địa phương phía Đông tỉnh tập trung hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Cập nhật 28/4/2020, 14:04:12

Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi đáng mừng. Các địa phương trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới khi đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự hưởng ứng, đồng sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Ngoài TP.Pleiku đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới thì hiện nay, các địa phương phía Đông của tỉnh cũng đang dồn sức để hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình.

Kbang là một trong những huyện điểm của cả nước trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Xác định rõ nhiệm vụ quan trọng này, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung triển khai thực hiện song do xuất phát điểm thấp nên đến nay huyện Kbang mới chỉ có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong 9 xã chưa đạt chuẩn thì có 7 xã cơ bản hoàn thành nhưng đối với 2 xã Krong và Đăk Rong thuộc diện đặc biệt khó khăn thì việc thực hiện các tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập và nhà ở dân cư gặp nhiều khó khăn. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2020 ngay từ đầu năm huyện Kbang đã có kế hoạch cụ thể để giúp đỡ 2 xã này và các địa phương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện các tiêu chí trên.

Ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy đã phân công từng đồng chí trong BTV xuống phụ trách từng địa bàn về phần UBND huyện cũng đã phân công các thành viên cùng với các đồng chí BTV phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi và thực hiện. Đối với hộ nghèo thì đối với các xã Krong, Đak Rong là còn 16% thì các xã phải lên kế hoạch và BCH Đảng bộ huyện và BTV đã phân công tất cả tổ chức cơ sở đảng và các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn huyện thì mỗi 1 chi bộ, 1 đơn vị phải giúp từ 3 đến 5 hộ; bằng các nguồn vốn mà hiện nay huyện đã có nguồn sẽ   cấp cho các xã để hỗ trợ xóa nhà tạm cho các hộ dân mà chưa đạt chuẩn nông thôn mới”.

Ông Đinh Nao, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Rong, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi đã phân công cụ thể từng đồng chí cán bộ, đảng viên, cán bộ, công chức các ngành, đoàn thể phụ trách từng hộ gia đình; những người này hàng tuần, hàng ngày có trách nhiệm gặp từng hộ gia đình để vận động hộ dân chủ động sửa chữa nhà. Còn về thu nhập được sự quan tâm bằng nguồn vốn của các chương trình mục tiêu thì năm nay chúng tôi đã đưa ra kế hoạch giảm nghèo cụ thể và sẽ đưa các nguồn vốn này tập trung cho những hộ nghèo, những hộ khó khăn nhất; và chúng tôi sẽ đưa các chương trình 135, các mặt hàng cấp cho không và các chương trình mục tiêu quốc gia khác để lồng ghép hỗ trợ cho các hộ nghèo nâng cao thu nhập”.

Trong 4 huyện, thị phía Đông của tỉnh thì An Khê là địa phương cán đích nông thôn mới đầu tiên. Đến cuối năm 2019, 5/5 xã của thị xã An Khê đã đạt chuẩn nông thôn mới. Và hiện nay, thị xã An Khê đã hoàn tất hồ sơ để đề nghị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Do đó, nhiệm vụ được thị xã An Khê xác định là tiếp tục củng cố, nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn; đặc biệt là cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, xây dựng thị xã An Khê thành vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh và để nâng cao đời sống cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê, Gia Lai trao đổi: “Chúng tôi đã xác định điều chỉnh quy hoạch chung gắn với việc quản lý quy hoạch cũng như xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị để mong muốn xây dựng An Khê từng bước đạt các tiêu chuẩn về đô thị loại 3. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với việc nâng cao các tiêu chí về nông thôn mới, làng nông thôn mới; vì vậy chúng tôi tiến hành một đề án về đánh giá đất cũng như các tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp An Khê”.

Còn với huyện Đăk Pơ, theo kế hoạch cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ và trở thành huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020. Hiện nay, 3/4 xã của huyện đã đạt chuẩn đều bị thiếu hụt so với bộ tiêu chí mới; ngoài ra, 3 xã còn lại đạt từ 11 đến 13 tiêu chí. Do đó, huyện Đak Pơ đang huy động mọi nguồn lực để tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, cùng với tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở thì sẽ đẩy mạnh việc xây dựng làng nông thôn mới để hướng đến xã đạt chuẩn và huyện nông thôn mới.

Ông Nguyễn Hiệp, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đak Pơ, Gia Lai cho biết: “Trên cơ sở kế hoạch thì phải phân định rõ các nội dung phần nào kinh phí của huyện,phần nào kinh phí của xã, phần nào nhân dân đóng góp để xây dựng từng tiêu chí để làm sao đến cuối năm 2020 có thêm làng Groi của xã Ya Hội đã chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại trên cơ sở đó thì phòng sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch cho từng làng trên địa bàn xã để xây dựng làng nông thôn mới”.

Với những chủ trương, giải pháp được đưa ra, hiện nay, các huyện, thị phía Đông của tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện; phấn đấu đến cuối năm 2020 cả 3 địa phương là Kbang, An Khê và Đak Pơ sẽ hoàn thành chương trình và trở thành các huyện, thị nông thôn mới ở tỉnh Gia Lai. Song đây chỉ là mục tiêu ban đầu mà tất cả các địa phương trong tỉnh hướng đến vì xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân./.

Đức Hải, R’Piên, Huy Toàn


Lượt xem: 48

Trả lời