Rải vàng mã, tiền lẻ ra đường: Đi ngược văn minh

Cập nhật 14/3/2016, 08:03:43

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, việc rải vàng mã trên đường đi ngược lại xu hướng tiến bộ của văn hóa; không phù hợp với nguyên tắc về đạo đức và tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhà nghiên cứu này cho rằng: “Việc cấm rải vàng mã trên đường là điều tốt”.

Do người dân rải vàng mã nhiều gây ảnh hưởng an toàn giao thông, nên đơn vị quản lý phải dựng biển cấm ở đầu tuyến (ảnh chụp tại đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng). Ảnh: Sỹ Lực
Do người dân rải vàng mã nhiều gây ảnh hưởng an toàn giao thông, nên đơn vị quản lý phải dựng biển cấm ở đầu tuyến (ảnh chụp tại đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng). Ảnh: Sỹ Lực

Nguy hiểm

Ủy ban ATGT Quốc gia vừa có công văn đề nghị các thành viên của mình ở Trung ương và địa phương; Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tuyên truyền để hạn chế tiến tới chấm dứt việc rải vàng mã, tiền lẻ trên đường. Đây là vấn đề liên quan tín ngưỡng, văn hóa, được cho là “nhạy cảm” nên không ít ý kiến băn khoăn.

Nói về nguyên do ký công văn này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay: Vừa qua, Ủy ban nhận nhiều phản ánh về việc rải vàng mã trên đường gây nguy hiểm đến ATGT. Cụ thể, khi vàng mã rơi xuống đường, bay vào kính xe sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều khiển xe, đặc biệt là trên đường cao tốc. Việc rải vàng mã ra đường, phát tán khắp nơi cũng gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị. Với việc rải tiền thật, tiền lẻ ra đường không chỉ vi phạm các quy định quản lý đồng tiền của Nhà nước mà còn có thể dẫn đến tai nạn khi người đi đường xông ra giữa đường nhặt tiền.  

“Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, đây là hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là khi việc rải vàng mã ngày càng nhiều. Vì vậy, chúng tôi đã có công văn như trên với mục tiêu trước hết là tuyên truyền trong cộng đồng, Phật tử; khuyến cáo các nhà tang lễ phối hợp ngăn ngừa việc rải vàng mã gây mất ATGT” – ông Hùng nói.  

Ông Hùng cho hay, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ ràng và hiệu lực chưa cao về nội dung này. Chẳng hạn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra quy định cấm rải tiền lẻ ra đường. Nhưng, qua theo dõi, chúng tôi chưa thấy ai bị xử lý về hành vi này, lực lượng nào xử lý hành vi này cũng chưa thấy rõ trên thực tế.

Ông Hùng đề nghị các nhà nghiên cứu văn hóa, các chức sắc tôn giáo và các nhà quản lý văn hóa xem xét cụ thể nội dung này để đưa ra giải pháp toàn diện hiệu quả hơn. “Nếu việc rải vàng mã hay tiền lẻ là một luật tục, một nghi thức tôn giáo không thể bỏ, chúng ta sẽ bàn đến các giải pháp tôn giáo. Nếu đây là một hủ tục, việc bỏ không phạm vào các điều cấm về tôn giáo, chúng ta sẽ mạnh dạn đưa ra các chế tài quản lý mạnh hơn” – ông Hùng đề nghị.

“Cấm là điều tốt”

Trao đổi với PV Tiền Phong, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Khoa Văn học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Việc sử dụng vàng mã là bước tiến trong lịch sử văn hóa loài người, xuất hiện sau khi con người sản xuất được giấy. Trước đó, ở các nền văn hóa khác nhau, khi có người chết, người ta thường chôn theo các vật dụng như bát đũa, các dụng cụ hằng ngày; thậm chí là vàng bạc… Việc sử dụng tiền mã đi theo xu hướng kiệm ước, tức là tiết kiệm để người sống có đời sống tốt đẹp hơn (không phải chôn theo những vật dụng – PV). Bây giờ, người ta đốt và rải một cách quá nhiều là đi ngược xu hướng tiết kiệm đó, kém văn minh hơn trước”.

Theo nhà nghiên cứu này, việc rải vàng mã, hay tiền lẻ ra đường mang hai ý nghĩa: Hối lộ ma quỷ để khỏi cản trở đường đi và nộp lộ phí, đò giang và cả hai ý nghĩa này, việc rải vàng mã, tiền lẻ ra đường đều không nên thực hiện. “Hối lộ ma quỷ là hành động xấu về mặt văn hóa, không phải thuần phong mỹ tục, không nên thực hiện. Nếu là tiền đò giang, lộ phí cũng không cần phải rải, có thể để trên quan tài người chết, người âm sẽ tự lấy để trả; không cần phải rải ra đường” – nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nói.

Ngoài ra, nhà nghiên cứu này cho rằng, hành vi rải tiền vàng mã cũng có những điểm bất ổn về đạo đức. “Hành vi mỗi người phải được thực hiện trên nguyên tắc, tự do của anh không được ảnh hưởng đến tự do của người khác. Ở đây, anh muốn tự do được rải tiền trên đường nhưng người khác có tự do được đi trên một con đường sạch đẹp. Vì thế, về đạo đức không thể chấp nhận việc rải tiền như vậy” – Ông Vĩ phân tích.

Về mặt pháp luật, Nhà nước đã có những quy định về ứng xử với đồng tiền, việc dùng tiền lẻ rải ra đường, rồi xe cộ đi lên làm hỏng là phạm vào quy định hủy hoại đồng tiền. “Cấm rải vàng mã, tiền là điều tốt lành. Một mẩu thuốc lá vứt ra đường còn bị cấm; việc rải vàng mã, tiền lẻ ra đường gây nguy hiểm còn đáng bỏ hơn” – nhà nghiên cứu này đề nghị.
 

Theo TPO


Lượt xem: 74

Trả lời