Làm cáp treo Sơn Đoòng: Quảng Bình đang “lạm quyền” Chính phủ?

Cập nhật 13/11/2014, 06:11:44

Ủy viên Hội đồng Di sản, ông Trương Quốc Bình khẳng định cách làm vội vã của Quảng Bình khi chưa được chấp thuận về chủ trương đã làm dấy lên những quan ngại và phản ứng về dự án cáp treo Sơn Đoòng

Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch vừa phúc đáp công văn của Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung tuyến cáp treo vào quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Theo đó, công văn do Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên ký ngày 7/11 khẳng định: "Bộ VHTT&DL thấy rằng, do chưa được nghiên cứu và xin ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là các chuyên gia của Trung tâm Di sản Thế giới và Cơ quan tư vấn của UNESCO là Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) nên chưa thể bổ sung tuyến cáp treo vào quy hoạch chung Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vào thời điểm hiện nay". 

 

Hang Sơn Đoòng. Ảnh: Ryan Deboodt

 

Bình luận về phúc đáp của Bộ VHTT&DL, PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng: "Việc Bộ VHTTDL trả lời Bộ Xây dựng là chưa thực hiện được trong bối cảnh hiện nay càng chứng minh cho việc làm thiếu bài bản của Quảng Bình".

Với tư cách là người tham gia quá trình xây dựng, cùng các chuyên gia UNESCO thẩm định tại thực địa và giải trình hồ sơ khu Di sản Phong- Nha Kẻ Bàng để UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới từ năm 1999 đến 2003, PGS.TS Trương Quốc Bình rất chăm chú theo dõi những diễn tiến của việc chuẩn bị dự án xây dựng cáp treo Sơn Đoòng. Ông đã dành cho PV Báo điện tử VOV.VN cuộc trả lời phỏng vấn xoay quanh vấn đề này:

PGS.TS Trương Quốc Bình: Trong những năm làm việc tại Cục Bảo tồn Bảo tàng (nay là Cục Di sản Văn hóa), tôi có cơ duyên và cơ may  tham gia việc xây dựng, thẩm định, bổ sung chỉnh lý và bảo vệ hồ sơ cho các di sản tiêu biểu của Việt Nam để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Trong số này có hai khu di sản thiên nhiên đặc sắc là Hạ Long , tỉnh Quảng Ninh và Phong Nha- Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình.

Mặc dù đã có những kinh nghiệm từ quá trình đưa Hạ Long vào Danh sách Di sản Thế giới từ các năm 1991-1994, nhưng các hoạt động để  Phong Nha – Kẻ Bàng đạt được danh hiệu cao quý này từ cuối những năm 90 đến 2003 đã trở nên những kỷ niệm hết sức sâu sắc đối với tôi do những vất vả, cam go và  phức tạp  mà chúng tôi đã  phải đương đầu trong các cuộc lội rừng, leo dốc dưới mưa rét để đi khảo sát thực địa vào tháng 1/1999 và quá trình vận động trên các diễn đàn quốc tế. Đặc biệt là,  việc đảo ngược tình hình tại kỳ họp chuyên đề của UNESCO tại Pari tháng 6/2003,  Phong Nha – Kẻ Bàng  từ chỗ bị đề nghị gác lại đã chính thức được công nhận.

Chính vì vậy, tôi hết sức quan tâm đến những gì đã, đang và sẽ diến ra tại các khu di sản mà mình đã gắn bó, trong đó có việc chăm chú theo dõi những diễn tiến của việc chuẩn bị dự án xây dựng cáp treo tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, được gọi tắt là Cáp treo Sơn Đoòng đang được dư luận hết sức quan tâm.

PV: Là người từng thẩm định thực địa, theo ông, với những giá trị và đặc điểm riêng của di sản hang động với tư cách là một di sản cần bảo tồn thì việc xây dựng cáp treo có phù hợp?

PGS.TS Trương Quốc Bình: Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ cho Phong Nha, tôi đã có dịp đến đây nhiều lần. Tuy nhiên khi tham gia các đoàn thẩm định thực địa cùng GS Elery, chuyên gia hàng đầu về các khu di sản đá vôi và TS Han, phụ trách Văn phòng IUCN ( Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới ) tại Việt Nam đầu năm 1999, tôi mới từng bước hiểu được những giá trị và quy mô của khu di sản đặc biệt này. Lúc ấy, có ngày chúng tôi phải đi bộ đến hơn 20 km một ngày, vào tận hang E, phải leo dốc “ Mạ ơi”, vào Hàng Vòm, hang Tối  rồi lên cả khe Gió. Sau này, khi khảo sát việc xây dựng đường Hồ Chí Minh qua khu vực này ytrong các năm 2000, 2001 chúng tôi còn khảo sát các điểm rộng hơn , từ Khe Gát đến đỉnh U Bò. Mặt khác, được đi theo sự hướng dẫn của anh em kiểm lâm nên những luận cứ về bảo vệ và phát huy giá trị của khu di sản này lại được bổ sung vào hồ sơ và nội dung giải trình với UNESCO.

Hang Sơn Đoòng. Ảnh: Ryan Deboodt

Vì có sự trải nghiệm thực tế nên tôi cho rằng, về cơ bản, do sự rộng lớn và phức tạp  về địa hình của khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng, do nhu cầu khám phá của du khách và sự cần thiết mở rộng các hoạt động dịch vụ kinh doanh du lịch nhằm phát huy giá trị của tài nguyên du lịch đặc biệt này, có thể chấp nhận việc xây dựng cáp treo tại đây như tại không ít khu Di sản Thế giới khác.

Tuy nhiên, cần phải xác định đây là hệ thống cáp treo tại Vườn quốc gia, nhằm liên kết các trọng điểm  như Phong Nha- Thiên Đường- Sơn Đoòng, tạo sự thuận lợi cho du khách trong quá trình di chuyển kết hợp với chiêm ngưỡng những giá trị đặc hữu về đa dạng sinh học của Vườn quốc gia  chứ không phải xây dựng cáp treo vào động Sơn Đoòng như sự thông tin chưa chuẩn khiến nhiều người hiểu nhầm. Trong tương lai, khi dự án này được xem xét, thẩm định theo trách nhiệm của Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, với tư cách là thành viên của Hội đồng, khi phát biểu thảo luận,  tôi sẽ khẳng định những quan điểm này.

PV: Ông có bình luận gì về các ý kiến lo ngại khi cáp treo được xây dựng chỉ cách động Sơn Đoòng 300m sẽ kéo theo du lịch đại trà, làm biến đổi sinh thái của hang, nguy hại đến hang? 

PGS.TS Trương Quốc Bình: Hiện nay mới chỉ có những thông tin về những dự kiến bước đầu nên chưa có căn cứ để khẳng định hiệu quả hay  những nguy cơ, những tác động của dự án đến sự toàn vẹn của di sản. Những quan ngại của dư luận, trong đó có cả những ý kiến phê phán gay gắt, theo tôi là chỉ thể hiện trách nhiệm chung của chúng ta với các di sản của quốc gia dân tộc. Đây là những hiện tượng rất đáng hoan nghênh. Khi nào có dự án với những tuyến điểm cụ thể kèm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường mới có thể có những ý kiến cụ thể. Trong thời điểm hiện tại, tôi mong muốn UBND tỉnh Quảng Bình thực hiện đúng những trách nhiệm của cơ quan hành chính được phân công trực tiếp quản lý di sản. 

 

Sơn Đoòng là một trong những hang động đẹp nhất thế giới (Ảnh: Getty Images).

 

PV: Là người từng có thâm niên trong lĩnh vực di sản văn hóa và từng tham gia xây dựng Luật Di sản, ông có bình luận gì về qui trình công bố dự án của tỉnh Quảng Bình khi mà Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa và cả UNESCO đều chưa nhận được công văn thông báo chi tiết về dự án liên quan đến di sản Quốc gia và đã được quốc tế công nhận này? 

PGS.TS Trương Quốc Bình: Do có mối quan hệ với các anh, chị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình từ nhiều năm nay, tôi thấu hiểu và chia sẻ với lãnh đạo tỉnh về nguyện vọng và trách nhiệm phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với một số cách ứng xử chưa phù hợp với di sản Phong Nha- Kẻ Bàng, đặc biệt là việc tổ chức kỷ niệm 10 năm Di sản Thế giới PNKB năm ngoái tại bên trong lòng động Thiên Đường bởi đó là hoạt động  chỉ dành cho các quan chức mà lẽ ra cần phải tổ chức các hoạt động  như hồi đón bằng công nhận của UNESCO năm 2000 để hàng vạn người dân tham dự thì mới có ý nghĩa.  Theo tôi, lẽ ra nhu cầu làm cáp treo  cần được xây dựng thành một dự án tiền khả thi kèm theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường để báo cáo Thủ tướng Chính phủ  rồi xin ý kiến các cơ quan hữu quan trong nước  và tham khảo ý kiến của Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO.Và, theo Luật định, Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Chúng tôi cho rằng chính cách làm vội vã, thiếu bài bản của Quảng Bình khi chưa được chấp thuận về chủ trương đã và đang làm dấy lên những quan ngại và ý kiến phản ứng về dự án này. Tỉnh Quảng Bình đã “ vượt mặt” Chính phủ trong trách nhiệm quản lý theo Luật định bởi Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng không chỉ là Di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng quyết định công nhận mà lại còn là Di sản Thế giới, là tài sản chung của nhân loại  mà trách nhiệm quản lý là thuộc về Chính phủ Việt Nam theo quy định của Công ước UNESCO năm 1972…Trước tình hình này, rất nên trở lại những quy định  pháp lý.

PV: Xin cảm ơn ông!

theo VOV


Lượt xem: 45

Trả lời