Truyền hình trực tiếp Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Cập nhật 29/11/2023, 06:11:00

Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV được Đài THVN truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 9h00 ngày 29/11 để cử tri và Nhân dân theo dõi.

Hôm nay (29/11), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức bế mạc.

Trước khi họp phiên bế mạc, các đại biểu sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”.

Từ 9h00, Quốc hội họp phiên bế mạc.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu bế mạc Kỳ họp.

Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV được Đài THVN truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 9h00 ngày 29/11 để cử tri và Nhân dân theo dõi.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23/10/2023 theo hình thức họp tập trung trong 2 đợt tại Nhà Quốc hội (Hà Nội).

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu

Liên quan dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngày 08/10/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số.

Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước bối cảnh nêu trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Theo hướng dẫn của OECD về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp.

Trình bày Báo cáo Thẩm tra dự án Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã nêu sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Theo đó, các quy định về việc áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu của OECD (Quy định về thuế TTTC), hay còn được gọi là quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024.

Nội dung thực hiện thuế TTTC này đã đạt được sự thỏa thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nhiều nước đã nội luật hóa các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế TTTC thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế TNDN bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam và đang nộp thuế TNDN thực tế dưới 15%.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao sự cần thiết phải sớm ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn tại một Kỳ họp, đồng thời có chính sách ưu đãi để tiếp tục thu hút đầu tư, đảm bảo nhiều lợi ích đối với Việt Nam.

Đồng tình với sự cần thiết của việc thông qua Nghị quyết, tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo Nghị quyết bởi đây là nội dung có tác động lớn đến môi trường đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài.

Theo VTV


Lượt xem: 2

Trả lời