Trung Quốc đang chà đạp lên luật pháp quốc tế

Cập nhật 29/6/2014, 10:06:58

Chuyên gia Hoàng Việt sẽ phân tích kỹ hơn về sự phi lý và tham vọng bành trướng gây thêm căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Cùng với hành vi hung hăng trên Biển Đông, Trung Quốc vừa phát hành bản đồ dọc về lãnh thổ Trung Quốc trong đó bao gồm hình chữ U mở rộng ra khắp Biển Đông, kéo dài đến tận bờ biển của Malaysia và Philippines theo hình lưỡi bò, ôm trọn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

 

Trong chương trình khách mời VOV, thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP HCM, nhà nghiên cứu các tranh chấp trên Biển Đông, thành viên Quỹ nghiên cứu Biển Đông sẽ phân tích kỹ hơn về sự phi lý và tham vọng bành trướng gây thêm căng thẳng tại Biển Đông.

PV: Mới đây, nhà xuất bản tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã phát hành một bản đồ khổ dọc về lãnh thổ Trung Quốc có đường lưỡi bò nuốt trọn Biển Đông được thể hiện 10 đoạn. Thưa ông, bản đồ này có gì khác so với đường lưỡi bò 9 đoạn phi lý mà Trung Quốc đã tự vẽ ra trước đây?

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Bản đồ này của Trung Quốc cũng có những điểm giống và khác so với trước đây. Thứ 1, về điểm giống, nó thể hiện tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Điểm khác: năm 2009, Trung Quốc lần đầu tiên gửi công hàm phản đối báo cáo của Việt Nam cùng với báo cáo chung giữa Việt Nam – Malaysia về vùng biển mở rộng lên Tổng thư ký LHQ.

Trong hai công hàm phản đối này, Trung Quốc có kèm hình lưỡi bò và hình lưỡi bò này chỉ có 9 đoạn, trong khi bản đồ của tỉnh Hồ Nam mới phát hành lần này lại có 10 đoạn. Nói chung, về tham vọng của Trung Quốc không có gì thay đổi nhưng việc thể hiện có điều bất nhất đó là “lúc thì 9 đoạn, 10 đoạn hoặc 11 đoạn”.

PV: Thưa ông, như bản đồ phi pháp này cái gọi là chủ quyền 9 đoạn của Trung Quốc sẽ được mở rộng như thế nào?

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Gần đây, phía Trung Quốc luôn khẳng định rằng, họ có chủ quyền trên vùng Biển Đông thông qua cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò hoặc đường 9 đoạn này và bị thế giới phản đối vì nó vi phạm luật pháp quốc tế. Chính vì không có cơ sở pháp lý nào nhưng Trung Quốc vẫn muốn dùng sức mạnh của mình để thực hiện cái gọi là yêu sách này.

Trên thực tế, khi Trung Quốc đưa ra bản đồ năm 2009 đã bị một loạt quốc gia phản đối ngay lập tức, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Philippines và gần đây là  Hoa Kỳ cũng yêu cầu Chính quyền Trung Quốc cần làm rõ yêu sách đường lưỡi bò là gì? Tất cả các quốc gia trên thế giới đều không thừa nhận đường lưỡi bò trừ phía Trung Quốc.

 

 
Bản đồ do Trung Quốc phát hành "nuốt" trọn Biển Đông bằng "đường 10 đoạn". Ảnh: Chinadaily
 

PV: Ông có thể nói rõ hơn về đường “10 đoạn này” và nó sẽ bao trọn bờ biển Malaysia, Philippines và Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Thực ra nó nằm ở nhiều quốc gia nhưng trong bản đồ mà Trung Quốc đưa ra thì nó chiếm hơn 80% Biển Đông.

Như vậy, nó ăn vào tất cả các vùng, đi sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia như: Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines.

Cho nên, điều này gây lên sự nguy hại rất lớn vì Trung Quốc và tất cả các quốc gia ASEAN mà tham gia trong tranh chấp Biển Đông đều tham gia Công ước Luật Biển năm 1982.

Theo quy định của Công ước, mỗi quốc gia sẽ có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhưng Trung Quốc dựa vào một bản đồ vô căn cứ (có từ năm 1947), không rõ ràng lúc thì nói: “9 đoạn”, “10 đoạn” thậm chí “11 đoạn” nhưng không có kinh độ, vĩ độ rõ ràng.

Như vậy, họ chiếm toàn bộ vùng kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia khác mà các quốc gia đó đương nhiên được hưởng theo tinh thần của Công ước Luật Biển.

Rõ ràng, Trung Quốc không tuân thủ theo Công ước Luật biển mà bản thân Trung Quốc là một thành viên. Trung Quốc đang chà đạp lên luật pháp quốc tế.

PV: Việc phát hành bản đồ này cho thấy tuyên bố bành chướng chủ quyền vô lý của Trung Quốc cũng như gây thêm căng thẳng trên Biển Đông?

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Hành động này là chuỗi các hành động nối tiếp của Trung Quốc. Năm 2007, Trung Quốc đã có những hành động ngang ngược trên Biển Đông như: đâm chìm các tàu cá của Việt Nam và ngư dân của các quốc gia khác. Năm 2011, Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh…

Đến năm 2012, Trung Quốc có nhiều hành động hung hăng đối với cả các vùng trong đó có cả bãi  cạn Scarborough  mà Philippines đang kiểm soát.

Đến năm 2013, tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng và năm 2014, chúng ta đều biết, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

 

PV: Cùng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của việt Nam, việc phát hành tấm bản đồ 10 đoạn này rõ ràng cho thấy tham vọng, âm mưu gì của Trung Quốc ở Biển Đông, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Trung Quốc trong cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa” (hay còn gọi là giấc mơ Trung Quốc), luôn luôn mong muốn trở thành số 1 trên thế giới. Muốn trở thành cường quốc số 1 trên thế giới thì họ phải trở thành một cường quốc biển. Muốn vậy, Trung Quốc phải mở rộng từ phía Biển Đông và Biển Đông là điểm đầu tiên nằm trong chiến lược tham vọng của Trung Quốc là chiếm được Biển Đông. Khi chiếm được Biển Đông, Trung Quốc mới có bàn đạp để chiếm các vùng khác như: Biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Cho nên, tham vọng của Trung Quốc là rất lớn.

Và Trung Quốc sẽ là mối đe dọa với toàn bộ khu vực và thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam hay một số quốc gia khác trong ASEAN.

 

Câu hỏi của độc giả gửi tới chương trình khách mời VOV: 

* Tính pháp lý của tấm bản đồ này?

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Tấm bản đồ của Trung Quốc đã bị các học giả và các quốc gia trên thế giới phản đối. Nó không có một căn cứ nào cho luật quốc tế.

Việc Trung Quốc đơn phương đưa ra các bản đồ, không mang tính pháp lý, ràng buộc theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên đó là cái thể hiện tham vọng chính trị, tham vọng “độc chiếm” Biển Đông và lấn ra các vùng biển khác.

* Thời điểm nào chúng ta có thể sử dụng biện pháp pháp lý để phản đối lại Trung Quốc?

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Theo tôi, hiện Việt Nam đang xúc tiến việc cần thiết để thực hiện biện pháp pháp lý. Bởi vì, biện pháp pháp lý rất phức tạp và chúng ta không thể làm ngày bây giờ. Cho nên các chuyên gia trong và ngoài nước đang tập hợp ý kiến để xem xét thật cụ thể. Và tôi nghĩ rằng, biện pháp pháp lý là biện pháp ngay bây giờ chúng ta phải làm.

* Theo ông, Việt Nam và các nước khác cần phải làm gì khi Trung Quốc đang gây ra căng thẳng trên Biển Đông?

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Theo tôi, các quốc gia cùng đồng lòng, đoàn kết, lên tiếng để chống lại tham vọng của Trung Quốc. Đây cũng là cách để gây áp lực lớn đối với Trung Quốc khiến Trung Quốc phải chùn tay với hành động vô lý này.

VOV

 

Theo VOV


Lượt xem: 20

Trả lời