“Tôi tin Nhật Bản và Việt Nam đều có tương lai tươi sáng“

Cập nhật 20/9/2018, 07:09:47

“Thực hiện phương châm cơ bản mà hai bên đã thống nhất thì tôi tin rằng cả Nhật Bản và cả Việt Nam đều có một tương lai tươi sáng”.

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong 45 năm qua trải qua nhiều giai đoạn, và hiện tại đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất đóng góp cho lợi ích của hai bên, hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực và thế giới.

Nhân dịp này, phóng viên VOV thường trú tại Tokyo, Nhật Bản phỏng vấn ông Katsuhito Asano, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản về mối quan hệ đặc biệt này.

viet nam va nhat ban se co tuong lai tuoi sang hinh 1
Ong Katsuhito Asano, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản.

PV: Trong năm 2018, hai nước tổ chức nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông đánh giá thế nào về quan hệ hai nước trong thời gian qua?

Ông Katsuhito Asano: Với mục đích mong muốn cải thiện quan hệ ngoại giao với Việt Nam, chỉ sau một năm sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản đã sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Lúc đó, với tư cách là nhà báo phụ trách vấn đề chính sách ngoại giao của NHK, tôi cũng hiểu rõ tâm ý của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản lúc đó là ông Masayaoshi Ohira.

Từ đó cho đến nay trải qua 45 năm, Việt Nam và Nhật Bản không chỉ ổn định về mặt chính trị, mở rộng thương mại, đầu tư mà còn phát triển thực chất ở nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, thể thao và giao lưu nhân dân…

Tại sao mối quan hệ hai nước lại phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực như vậy? Theo tôi, vì người Việt Nam và người Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng với nhau. Tính cách chịu thương chịu khó và chân thành là điểm tựa để tăng cường sự tin tưởng giữa nhân dân hai nước.

Gần 10 năm trước, tôi là Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, đã từng được tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm Nhật Bản của ông theo lời mời của Chính phủ Nhật Bản. Khi đó, Thủ tướng Phan Văn Khải nói rằng sở thích của ông là bonsai và điều này đã làm tôi ấn tượng giống như đang tiếp xúc với một nhà chính trị tiền bối của Nhật Bản.

PVÔng có nhận định gì về tương lai của mối quan hệ này?

Ông Katsuhito Asano: Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân chuyến thăm Nhật Bản vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2018 đã tổ chức buổi lễ Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước tại Tokyo. Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã tham dự buổi lễ này.

Nhân chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe đã ký vào Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm cấp cao bao gồm 42 điểm, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong tương lai, thống nhất phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.

Nhật Bản sẽ thực hiện đến cùng những gì mình cam kết. Và hai nước nếu như thực hiện đầy đủ những phương châm cơ bản mà hai bên đã thống nhất, tôi tin rằng cả Nhật Bản và cả Việt Nam đều có một tương lai tươi sáng.

PV: Nhật Bản và Việt Nam có những mối quan tâm chung trong một số vấn đề quốc tế và khu vực. Xin ông cho biết, hai nước cần làm gì trong những mối quan tâm chung đó?

Ông Katsuhito Asano: Nhật Bản và Việt Nam đều có một quan tâm lớn đó là bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông. Trong Tuyên bố chung được công bố trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa qua cũng đã bày tỏ sự lo ngại đối với hiện trạng của Biển Đông.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng thông qua việc duy trì, tăng cường trật tự hải dương dựa trên Luật pháp quốc tế, hai bên nhất trí hợp tác lẫn nhau để bảo đảm hòa bình, ổn định, phồn vinh của khu vực.

Nhật Bản cũng đã bắt đầu thực hiện chính sách tăng cường hỗ trợ kỹ năng bảo đảm an ninh trên biển đối với Việt Nam. Hai nước cùng hợp tác, hỗ trợ nhau để bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông là đương nhiên.

PV: Để cân bằng các mối quan hệ quốc tế gắn với lợi ích quốc gia, ông có đề xuất gì cho Việt Nam trong vấn đề này?

Ông Katsuhito Asano: Có hai vấn đề quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh: Thứ nhất là duy trì nguyên tắc tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông; thứ hai là kiên trì thể chế thương mại đa quốc gia, đa phương dựa trên quy tắc mà trung tâm đó là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Việt Nam và Nhật Bản còn phải cho thấy trách nhiệm to lớn của mình đối với hòa bình và phồn vinh của khu vực.

PVXin trân trọng cảm ơn ông./.

Theo VOV


Lượt xem: 20

Trả lời