Quyết sách của Quốc hội ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn

Cập nhật 30/11/2023, 14:11:51

Hàng loạt dự án luật, nghị quyết, chính sách mới được Quốc hội ban hành để phúc đáp yêu cầu từ thực tiễn, là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã kết thúc sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao.

Điểm đáng chú ý ở kỳ họp này là các phiên thảo luận sôi nổi ở tổ và ở nghị trường về kinh tế xã hội và ngân sách, các ý kiến phát biểu và tranh luận đều đi sâu, tìm ra căn nguyên để giải “bài toán” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mức tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng vẫn là khá cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị tiếp tục được hoàn thiện; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tích cực hơn.

Tuy nhiên, có 5/15 chỉ tiêu không đạt, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt ở năm thứ 3 liên tiếp. Trong Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu ưu tiên tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách.

quyet sach cua quoc hoi ngay cang dap ung tot hon yeu cau cua thuc tien hinh anh 1

Toàn cảnh kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế phân tích, có nhiều quyết sách trong kỳ họp này giảm khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, những tác động đến cú sốc từ bên ngoài vào nền kinh tế. Ông kỳ vọng thực hiện triển khai nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội cho năm 2024 và những năm tiếp theo, các cơ quan thực thi các chính sách cần phải quyết liệt hơn; quyết định mang tính chất mạnh mẽ, quyết đoán hơn nữa trong thời gian tới.

Tại các tổ thảo luận, hay bên hành lang Quốc hội, các đại biểu bày tỏ “sốt ruột” khi chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19, dù kỳ vọng rất lớn, được Quốc hội thảo luận với quyết tâm rất cao nhưng triển khai chưa như yêu cầu.

Đầu tư công tưởng chừng khó không có tiền để chi tiêu, nhưng có tiền rồi vẫn khó giải ngân. Tình trạng nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính… Nhiều đại biểu chỉ rõ căn nguyên của hạn chế là có tình trạng cán bộ “sợ vi phạm pháp luật”, “không dám làm” đang là trở lực lớn, gây tắc nghẽn công việc.

Quốc hội đã thông qua 7 luật. Với sự thận trọng, kỹ lưỡng và trách nhiệm, tại kỳ họp này, Quốc hội quyết lùi thời điểm thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để giá kỹ tác động chính sách, bảo đảm các luật khi được ban hành phải đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, đặc biệt không xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác.

“Khi chưa có sự đồng thuận cao ở một số vấn đề thì không nên vội vàng thông qua. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất dài, lại liên quan trực tiếp, gián tiếp tới hơn 100 luật khác. Hiện nay khó nhất là làm sao có thể tháo gỡ được nút thắt khi mà Luật Đất đai hiện hành đang gặp phải. Tôi nghĩ, bất cứ một sự xem xét thận trọng kỹ lưỡng nào cũng rất cần thiết” – Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương nhấn mạnh.

Nội dung quan trọng khác là Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng phiếu kín đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm dựa trên những đánh giá toàn diện và thấu đáo của đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Những ngành, lĩnh vực trực tiếp tác động đến đời sống của người dân, doanh nghiệp như khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, công thương… có số phiếu “tín nhiệm thấp” cao, cho thấy đây là những lĩnh vực người dân và các đại biểu Quốc hội đòi hỏi các bộ trưởng, trưởng ngành phải nỗ lực và quyết tâm cao hơn nữa để khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.

quyet sach cua quoc hoi ngay cang dap ung tot hon yeu cau cua thuc tien hinh anh 2

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Phú Yên

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Phú Yên kỳ vọng: “Tôi tin vào bản lĩnh của các bộ trưởng, cũng như tin vào cách đánh giá công tâm của các đại biểu, cũng như cách nhìn nhận của cả hệ thống chính trị. Đấy là sự nhìn nhận để bước tiếp, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri của nhân dân và đại biểu. Cuộc lấy phiếu này chỉ có ý nghĩa khi sau đó đất nước ta tiếp tục phát triển, thúc đẩy. Kết quả là động lực để bước tiếp, bước vững và không phải bước một mình, không đơn độc. Bởi vì nếu làm tốt sẽ được ghi nhận”.

Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn. Phiên chất vấn được chia thành nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp; nhóm lĩnh vực kinh tế ngành; nhóm lĩnh vực văn hoá – xã hội và nhóm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, kiểm toán.

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ các báo cáo, các đại biểu đặt câu hỏi trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề cử tri đang quan tâm, trăn trở. Phiên chất vấn diễn ra dân chủ, nhất là trong tranh luận, giải trình. Thành công của phiên chất vấn góp phần tạo chuyển biến đối với các lĩnh vực, điều này cũng cho thấy Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ kịp thời tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc đặt ra trong thực tiễn.

“Các đại biểu đều đánh giá rất cao cách thức làm việc này. Các bộ trưởng có sự chủ động nhất định thể hiện trách nhiệm của mình trong những nội dung trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Tiến hành chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ. Đây cũng là một đổi mới trong hoạt động Quốc hội và cũng là để thể hiện được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri đối với những vấn đề kinh tế xã hội cần giải quyết. Bên cạnh đó giúp cho Chính phủ và các bộ, ngành có một cái nhìn đầy đủ hơn đối với công tác chỉ đạo, điều hành cũng như tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh được phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh rất nhiều khó khăn” – Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn TP Hà Nội nhận định.

Quốc hội cũng bấm nút thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu; cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31/12/2024; thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024; Bổ sung nội dung đầu tư các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện và cho phép chuyển nguồn hơn 2 nghìn 920 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Qua mỗi Kỳ họp, Quốc hội tiếp tục đổi mới, lắng nghe và hoàn thiện để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân. Kết quả của Kỳ họp thứ 6 với các luật, nghị quyết, chính sách mới được ban hành sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Theo VOV


Lượt xem: 2

Trả lời