Nhân sự, ngân sách nóng ngay trong tuần làm việc đầu tiên của Quốc hội

Cập nhật 25/10/2015, 06:10:47

Quốc hội đã giành 1 ngày để thảo luận về văn kiện Đại hội XII của Đảng với nhiều ý kiến tâm huyết về xây dựng đảng, về công tác cán bộ…

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 đã kết thúc tuần làm việc đầu tiên với nội dung trọng tâm là thảo luận tình hình kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước và Dự thảo báo cáo Chính trị trình Đại hội 12 của Đảng. 

 

Kỳ họp diễn ra vào thời điểm các địa phương đang tiến hành đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và nhân dân cả nước đang tích cực đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội 12 của Đảng. 

Chính vì vậy, ngay trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã giành 1 ngày để thảo luận về văn kiện Đại hội 12 của Đảng với nhiều ý kiến tâm huyết về xây dựng đảng, về công tác cán bộ, về các đột phá chiến lược trong 5 năm tới, về cơ hội và thách thức do hội nhập mang lại, về tình hình tham nhũng, lãng phí… 

Riêng với công tác cán bộ, nhiều đại biểu cho rằng: Dự thảo cần nhấn mạnh, công tác cán bộ là khâu đột phá quyết định, phải đưa ra các giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ của Đảng, phát huy tinh thần dân chủ trong Đảng.

Báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn những người được bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền có đủ đức, đủ tài để xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đồng thời cần kiên quyết loại trừ những trường hợp thoái hóa, biến chất, có biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp.   

Cũng liên quan đến Đại hội Đảng các cấp, trong cuộc họp trù bị trước phiên khai mạc kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã lưu ý các đại biểu cần dành thời gian tối đa cho kỳ họp, hạn chế việc bỏ họp Quốc hội để dự đại hội Đảng ở một số địa phương, nhất là dự đại hội với tư cách “tình cảm quê hương, nguyên bí thư, nguyên lãnh đạo địa phương”. Ông lý giải, nếu các đại biểu không đi họp đủ thì Quốc hội sẽ rất trống vắng. Quyết định của chúng ta sẽ không được đa số”.

 

Trên lĩnh vực kinh tế, nếu như vấn đề ngân sách được đặc biệt quan tâm thì khi thảo luận văn kiện đảng, các đại biểu lại đề nghị đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ của Đảng. 

Bức tranh toàn cảnh về kinh tế – xã hội năm 2015 và giai đoạn 5 năm (2011 – 2015) đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội trong phiên khai mạc. 

Điểm sáng quan trọng nhất trong bức tranh đó là nền kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn . Điển hình là 2 năm trở lại đây, tăng trưởng GDP đã lấy lại đà phục hồi. Riêng năm 2015, tăng trưởng GDP ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%). 

Kinh tế tăng trưởng nhưng giá cả sinh hoạt lại được kiểm soát mạnh mẽ. Năm nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 2%- một con số khá ấn tượng so với mức tăng phi mã của năm 2011 là 18,3%.  Đây cũng là điều mà cử tri ghi nhận trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn khi mặt bằng lãi suất năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011. 

Về an sinh xã hội, theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, có khoảng 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015, còn dưới 4,5%.

Trong bức tranh tổng thể về kinh tế- xã hội năm 2015 và những năm tiếp theo, tình hình căng thẳng về ngân sách là vấn đề đáng quan tâm. Năm 2015, giá dầu thế giới sụt giảm sâu dẫn đến số hụt thu ngân sách khoảng 63.000 tỷ đồng. Theo con số mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cung cấp thì năm 2016, dự toán ngân sách Trung ương sau khi trừ đi các khoản chỉ còn lại 45.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất khiêm tốn. Vì vậy, cấp thiết phải tái cơ cấu lại ngân sách, nếu không sẽ không đảm bảo được sự bền vững trong chi tiêu ngân sách trong những năm tới. Thảo luận về vấn đề ngân sách, nhiều đại biểu đồng tình với Chính phủ trong việc thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp mà nhà nước và cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhà nước cần có phương án sử dụng khoản tiền thu về từ hoạt động này một cách hiệu quả, không nên hòa nguồn tiền này vào ngân sách và việc phân bổ như thế nào nên do Quốc hội quyết định. 

Trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã thảo luận về một số dự án luật và bộ luật như: Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), Luật kế toán (sửa đổi)… Công tác xây dựng pháp luật cũng sẽ là nội dung trọng tâm trong tuần làm việc thứ hai của Quốc hội. /.

Theo VOV


Lượt xem: 15

Trả lời