Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và tiến hành biểu quyết thông qua 3 Luật.
Bước sang tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 6, sáng 27/11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật Căn cước và Luật Nhà ở (sửa đổi).
Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành viên Chính phủ có liên quan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Hà Nội dự kiến thành lập 2 thành phố, khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi
Trước đó, ngày 10/11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Tóm tắt Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều. Đáng chú ý, dự thảo luật quy định về chính quyền Thủ đô, trong đó, về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc TP Hà Nội.
Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)
Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TP Hà Nội sẽ thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường, đồng thời tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng nhân dân.
Đặc biệt là quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố thuộc TP Hà Nội. theo đó, Hà Nội dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía Bắc – thành phố logistics, dịch vụ – vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía Tây – thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học – vùng Hòa Lạc, Xuân Mai, với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.
Về quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (tương tự như đang thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh).
Về phát triển văn hóa, giáo dục và an sinh xã hội Thủ đô, xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong theo quy hoạch; giao Hội đồng nhân dân thành phố quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…
Cho phép cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài; Hội đồng nhân dân thành phố quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học; Ủy ban nhân dân thành phố quy định bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo của người học.
Về chính sách xã hội, quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội… Về chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội; hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô.
Quy định một số ưu đãi cho khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành, trong đó có mở rộng đối tượng áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ. Quy định định hướng phát triển các khu công nghệ cao ở Thủ đô và một số vấn đề chung về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hà Nội …
Theo VTV
Lượt xem: 4