Ngày 21/11, Quốc hội thảo luận về phòng chống tội phạm, tham nhũng

Cập nhật 21/11/2023, 06:11:34

Quốc hội sẽ dành cả ngày 21/11 để thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 21/11, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Sau đó, trong thời gian làm việc còn lại buổi sáng và cả buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng

Trước đó, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ về về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2023. Đồng thời, các đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Ngày 21/11, Quốc hội thảo luận về phòng chống tội phạm, tham nhũng - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Các cơ quan đã thể hiện sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu, có đổi mới, thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ và các nội dung cần báo cáo với Quốc hội theo quy định của Luật Hoạt động giám sát và các luật có liên quan.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2023, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp, bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân và đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm; lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, xử lý nhanh chóng những điểm nóng; kịp thời truy bắt các đối tượng khủng bố, chống chính quyền nhân dân; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; tổng số vụ án được phát hiện tăng so với cùng kỳ; một số loại tội phạm được kiềm chế và kéo giảm như: số vụ phạm tội có tổ chức giảm 26,92%; số vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi giảm 5,62%. Về tình hình an toàn giao thông, giảm cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra. Trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh, như: cướp tài sản; cướp giật; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay lãi nặng; gây rối trật tự công cộng… Trong năm đã xảy ra vụ nhiều đối tượng thực hiện hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, chính trị địa phương. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn một số bất cập, dẫn đến các đối tượng lợi dụng để phạm tội, như: đăng kiểm phương tiện giao thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác khoáng sản, cấp phiếu lý lịch tư pháp,…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc chuẩn bị các báo cáo và trong công tác thực hiện các lĩnh vực có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã được chuẩn bị công phu, có nhiều thông tin bao quát các công việc và đánh giá toàn diện, có tính phản biện cao.

Theo VTV


Lượt xem: 1

Trả lời