Nâng tầm vị thế, uy tín, tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế

Cập nhật 25/1/2024, 06:01:37

Chuyến công tác tham dự WEF Davos và thăm Hungary, Romania của Thủ tướng đã góp phần khẳng định thêm những thành tựu đối ngoại quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam.

Chuyến công tác tham dự Hội nghị Thường niên lần thứ 54 – Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2024, thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16 – 23/1 của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp.

Với nhiều kết quả nổi bật, chuyến công tác đã góp phần khẳng định thêm những thành tựu đối ngoại quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Davos 2024 có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch COVID-19, có sự tham dự của gần 100 lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế, khoảng 3.000 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu.

Nâng tầm vị thế, uy tín, tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu với vai trò diễn giả chính tại Phiên đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu”. Đây là một trong 8 phiên đối thoại với người đứng đầu nhà nước, chính phủ được WEF tổ chức tại Hội nghị Davos năm nay.- Ảnh: VGP

Là một trong những nguyên thủ, nhà lãnh đạo quốc gia mà WEF đánh giá là có tư duy, tầm nhìn chiến lược, khả năng truyền cảm hứng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được mời tham dự và là diễn giả chính của nhiều sự kiện điểm nhấn tại Hội nghị. Đó là phiên thảo luận “Bài học từ ASEAN” cùng Thủ tướng Thái Lan, Chủ tịch Hạ viện Phillipines, Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại Thế giới dưới sự điều phối của nhà báo Julia Chatterley đến từ hãng truyền thông CNN. Đó là cuộc Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF với sự tham gia của khoảng 60 lãnh đạo tập đoàn toàn cầu và tại cuộc đối thoại này, WEF đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng về phục hồi kinh tế của khu vực, là một trong những nước được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất tại Hội nghị.

Đặc biệt, cuộc đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” được xác định là điểm nhấn của Hội nghị WEF lần này, với sự tham dự của Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF và Nhà bình luận quốc tế nổi tiếng Thomas Friedman của tạp chí New York Times, tác giả cuốn sách “Thế giới phẳng”.

Tại các phiên thảo luận, đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng và quan điểm của Việt Nam trước những vấn đề mà các doanh nghiệp, dư luận quốc tế quan tâm, được nhiều hãng truyền thông lớn thế giới phát sóng trên toàn cầu.

Nâng tầm vị thế, uy tín, tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân rời thủ đô Bucharest lên đường về nước. (Ảnh: TTXVN)

Tại WEF Davos, Thủ tướng đã có hơn 20 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư, đổi mới sáng tạo, công nghệ ô tô, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo, xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Cộng đồng doanh nghiệp ấn tượng về tầm nhìn phát triển chiến lược của Việt Nam và việc Chính phủ Việt Nam có các chính sách, biện pháp quyết liệt để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, luôn dành sự quan tâm, ủng hộ rất cao cho cộng đồng doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam là một trong những lựa chọn phù hợp nhất, cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh và tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam. Các thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị đã tạo ra một làn gió mới về hợp tác đầu tư nước ngoài chất lượng cao.

Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao tư duy, tầm nhìn và giải pháp của Việt Nam mà Thủ tướng chia sẻ về thúc đẩy đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, xây dựng lòng tin chiến lược, bảo đảm cân bằng lợi ích và thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân…; đồng thời, bày tỏ ấn tượng sâu sắc về những thành tựu nổi bật về kinh tế – xã hội, các định hướng, chiến lược phát triển đất nước và chủ trương, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam.

Qua 2 ngày làm việc liên tục với lịch trình dày đặc hơn 30 cuộc làm việc, chuyến công tác của Thủ tướng tham dự Diễn đàn Kinh tế uy tín hàng đầu thế giới đã để lại dấu ấn đậm nét đối với đối tác quốc tế về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu.

Sau thành công của chuyến công tác dự WEF Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thăm chính thức hai nước Hungary và Romania. Cả hai nước đã dành cho Thủ tướng Chính phủ, Phu nhân và Đoàn Việt Nam sự đón tiếp nồng hậu, ấm áp, chân thành của những người bạn thân thiết.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, các nhà lãnh đạo cao nhất của Hungary, Romania đều bày tỏ ngưỡng mộ chủ nghĩa anh hùng, truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam; ấn tượng mạnh mẽ về thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng gia tăng của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam không bao giờ quên sự hỗ trợ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, hợp tác chặt chẽ của Hungary và Romania trong rất nhiều lĩnh vực suốt gần 75 năm qua. Đây cũng là hai trong số những nước đầu tiên trên thế giới công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và đã luôn bên cạnh Việt Nam trong những lúc khó khăn nhất.

Gần đây nhất, Hungary và Romania là hai trong những nước đầu tiên trong EU hỗ trợ hàng trăm nghìn liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam trong thời điểm khó khăn nhất. Romania đã đóng vai trò tích cực trong việc ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU vào ngày 30/6/2019, đúng ngày cuối cùng Romania đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên EC.

Còn Hungary là quốc gia EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU. Chia sẻ với những người bạn quý, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tất cả mọi thứ có thể qua đi nhưng tình bạn luôn luôn ở lại. Tất cả đang thay đổi, chỉ có tình cảm giữa con người với con người là không đổi thay và ngày càng nhân lên”.

Tại Hungary, tiếp Chủ tịch Đảng xã hội, Đảng Công nhân Hungary, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường, đẩy mạnh quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, ủng hộ tinh thần đại đoàn kết của nhân dân và các đảng phái của Hungary dù đảng nào cầm quyền, đưa quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, góp phần vào môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng cũng đã đến thăm trung tâm nghiên cứu dược phẩm lớn nhất ở Trung và Đông Âu, cùng Thủ tướng Viktor Orbán dự diễn đàn doanh nghiệp hai nước và có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Hành chính công Quốc gia Hungary, với sự tham dự của hàng trăm đại biểu chính giới, nhà quân sự, ngoại giao, học giả, nghiên cứu hàng đầu Hungary, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Hungary.

Các nhà lãnh đạo đều khẳng định, kinh tế – thương mại – đầu tư là trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Hungary, Romania, vì vậy các cơ quan hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của Hungary như dược phẩm, nông nghiệp, công nghệ thông tin và Romania như phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, thông tin truyền thông, chế biến thực phẩm.

Gần 50 văn kiện hợp tác trong lĩnh vực an ninh, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, lao động, nông nghiệp, thông tin truyền thông, hợp tác địa phương giữa Việt Nam và Romania, Hungary đã được ký kết. Một điểm nhấn trong chuyến thăm của Thủ tướng là hợp tác giáo dục – đào tạo, một lĩnh vực hợp tác truyền thống, hiệu quả giữa Việt Nam với các nước. Trong đó, Hungary hàng năm cấp 200 suất học bổng cho Việt Nam, là số lượng học bổng lớn nhất trong các nước EU. Còn Romania, đến nay đã giúp đào tạo khoảng 4.000 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam, trong đó, nhiều người đã trở thành nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ đầu ngành và lãnh đạo nhiều bộ, ngành.

Trong khuôn khổ các chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đã dành thời gian gặp gỡ, động viên Cộng đồng người Việt Nam, gặp gỡ các hội hữu nghị Việt Nam – Hungary và Việt Nam – Romania, tri ân những người bạn quý đã luôn sát cánh, giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam.

Có thể nói, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tận dụng tối đa những cơ hội quan trọng từ chuyến công tác để thông tin về thành tựu, định hướng của Việt Nam, khẳng định và giúp lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi thông điệp, hình ảnh, vị thế một Việt Nam với cơ đồ, tiềm lực, tầm vóc và uy tín mới. Đồng thời, qua chuyến công tác, đoàn đại biểu Việt Nam còn nắm bắt, tận dụng thời cơ, xu thế mới, thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững và chia sẻ quan điểm, tầm nhìn về các vấn đề toàn cầu, khẳng định sự tham gia chủ động, tích cực, đóng góp một cách có trách nhiệm của Việt Nam.

Theo VTV


Lượt xem:

Trả lời