Diễn đàn Quốc phòng Mỹ – ASEAN: Tăng cường hợp tác giải quyết căng thẳng trên biển Đông

Cập nhật 05/4/2014, 06:04:59

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, Diễn đàn Quốc phòng Mỹ – ASEAN là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ 2 bên.

Diễn đàn Quốc phòng đầu tiên giữa Mỹ và 10 quốc gia Đông Nam Á đã kết thúc tại Hawaii vào sáng sớm 4/4 (theo giờ Việt Nam). Được tổ chức theo đề xuất của Mỹ, Diễn đàn Quốc phòng Mỹ-ASEAN diễn ra trong 2 ngày (3 và 4/4) nhằm thảo luận các biện pháp đối phó với các thách thức an ninh và xử lý hậu quả thảm hoạ, thiên tai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.  
 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu 

 

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh: “10 Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và tôi vừa hoàn tất diễn đàn mà tôi tin là vô cùng có giá trị tại Hawaii. Diễn đàn khẳng định mối quan hệ hữu nghị ngày càng sâu sắc giữa các nước và cơ hội ngày càng tăng để chúng ta tiếp tục cộng tác với nhau nhằm giải quyết những thách thức an ninh mới và lâu dài trên toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Ông Chuck Hagel nói: “Diễn đàn lần này là một dấu mốc quan trọng cho thấy mối quan hệ hợp tác ngày càng tăng giữa Mỹ với các nước ASEAN và là một chỉ dấu nữa về vai trò quan trọng của ASEAN trong thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng tại khu vực”.

 

Trong phiên họp cuối cùng vào sáng 4/4, các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ASEAN đã bàn thảo một loạt vấn đề an ninh khu vực, bao gồm tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải và giải quyết căng thẳng tại Biển Đông.
 
Bộ trưởng Quốc phòng các nước thảo luận 

 

Bộ trưởng Chuck Hagel cho biết: “Mỹ ngày càng lo ngại về sự bất ổn gia tăng xuất phát từ những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trên Biển Đông. Quyền lợi của tất cả các nước cần phải được tôn trọng. Điều quan trọng là tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền cần tránh đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hăm dọa, ép buộc. Chúng tôi hối thúc tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền tại các khu vực tranh chấp làm sáng tỏ những tuyên bố của mình dựa trên luật pháp quốc tế và có cách hành xử được quốc tế chấp nhận”.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, chính sách tái cân bằng đối với châu Á – Thái Bình Dương là một phần quan trọng trong lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, xuất phát từ chính lợi ích của Mỹ, và cam kết này sẽ tiếp tục được Mỹ thực hiện trong thế kỷ 21.  
 
Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Mỹ bắt tay nhau 

 

Tuy nhiên, ông Hagel khẳng định, chính sách tái cân bằng không phải là chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc mà là sự tiếp nối của các mối quan hệ và đối tác từ lâu nay giữa Mỹ và các nước châu Á – Thái Bình Dương. Bộ trưởng Hagel cũng nêu rõ Mỹ hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc vào các mô hình toàn cầu, vào những cách hành xử có trách nhiệm, tuân thủ luật chơi quốc tế và các quy tắc ứng xử.

Theo Bộ trưởng Hagel, Mỹ và Trung Quốc có thể là đối thủ cạnh tranh của nhau, còn nhiều bất đồng nhưng chắn chắn không phải là kẻ thù của nhau. Trước đó, các bên đã thảo luận về hoạt động hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ hậu quả thảm hoạ, cũng như bài học rút ra từ các chiến dịch cứu trợ gần đây nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó và hợp tác trong tương lai.

Các bên đều cho rằng thiên tai và khủng hoảng nhân đạo sẽ là những thách thức an ninh của thế kỷ 21, không chỉ đối với khu vực Đông Nam Á mà còn với toàn thế giới. Do vậy, sứ mệnh cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước, các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và lĩnh vực tư nhân.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh cho biết: “Quan trọng nhất là diễn đàn đã tạo ra cơ hội rất cần thiết để bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN gặp nhau và trao đổi về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống và quốc phòng giữa các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN với Hoa Kỳ. Một điểm quan trọng nữa là các bên đã bàn về những biện pháp hợp tác trong tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thiên tai”.

Ông Thanh cho biết thêm: “Có thể nói đây là một việc làm rất cần thiết vì hiện nay thảm họa thiên tai và các vụ việc hàng không thường xảy ra mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được mà rất cần sự phối hợp, hợp tác với các nước trong ASEAN cũng như các nước bên ngoài ASEAN”. 

Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, trong quá trình tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia, Việt Nam đã huy động tới 11 máy bay, 10 tàu các loại, cùng hàng nghìn tàu cá của ngư dân hoạt động trong 8 ngày đêm trên diện tích hàng nghìn cây số vuông, đồng thời cấp phép cho 5 quốc gia đưa máy bay và tàu chiến vào vùng lãnh hải cũng như không phận của Việt Nam để tham gia tìm kiếm.

Cũng tại phiên họp trên, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore đã đề xuất sử dụng căn cứ hải quân Janggi làm trung tâm phối hợp giải quyết khủng hoảng, cứu trợ thảm họa và nhân đạo của khu vực. Các bên tham dự diễn đàn đánh giá cao sáng kiến trên và cho rằng căn cứ Janggi có thể là địa điểm quan trọng để các nước phối hợp ứng phó về quân sự trong trường hợp xảy ra thiên tai hoặc thảm hoạ./. 

Theo VOV


Lượt xem: 16

Trả lời