Đem Tết Việt đến xứ sở Kim chi

Cập nhật 20/2/2015, 11:02:18

Bà con Việt kiều tại Hàn đã tái hiện các không gian ngày Tết Việt Nam đặc sắc như chợ Tết, phố ẩm thực, các trò chơi dân gian… giới thiệu đến bạn bè Hàn Quốc

 

Trong dịp Tết nguyên đán, ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, Hội và các chi hội cơ sở trực thuộc đã tiến hành tổ chức các chương trình Tết cộng đồng tại các khu vực và thành phố lớn như Gyeongki-Seoul, Daechon, Busan, Changwon, Siheung, Uijeongbu, Jeonnam-Gwangju, Gyungju với nhiều nội dung và hình thức đa dạng. Các chương trình Tết cộng đồng được tiến hành liên tục từ đầu tháng 2/2015 cho đến những ngày sát Tết âm lịch.

 

Ông Trần Hải Linh tại buổi tiếp của Phó Chủ tịch nước với bà con Việt kiều nhân dịp Xuân mới

 “Với mong muốn mang lại một cái Tết ấm áp, gần gũi cho những người con xa xứ không có điều kiện về quê hương ăn Tết, chúng tôi chuẩn bị các món ăn truyền thống trong dịp Tết như bánh chưng, bánh tét, giò chả, bánh mứt… Bên cạnh đó còn chuẩn bị các tiết mục văn nghệ truyền thống, tái hiện các không gian ngày Tết đặc sắc như chợ Tết, phố ẩm thực, các trò chơi dân gian… nhằm đưa đến một cách chân thực nhất không khí đón Tết ở quê hương và giới thiệu đến bạn bè Hàn Quốc những nét đẹp của Tết cổ truyền Việt Nam. Tiêu biểu có thể kể đến chương trình thi trình diễn trang phục truyền thống dân tộc tại Seoul, Gyungju, Gwangju và Changwon, Tết cho người lao động tại thành phố Ansan và Busan, thi nấu ăn và các trò chơi dân gian tại Daechon và Gwangchu…”- ông Trần Hải Linh cho biết.

 

PV: Một vấn đề mà trong nhiều cộng đồng người Việt ở các nước rất quan tâm là việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ thứ 2, 3… Ở Hàn Quốc, việc dạy tiếng Việt được quan tâm như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Hải Linh: Ở Hàn có gần 60.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Nếu mỗi gia đình có một con thì chúng ta đã có đến 60.000 trẻ em thế hệ thứ 2 gia đình đa văn hóa Việt- Hàn.

 

Bà con người Việt ở Hàn tổ chức đón Tết

Điều này khiến chúng tôi rất trăn trở và suy nghĩ làm sao để cho các cháu có thể không những biết tiếng Hàn mà còn biết cả tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, để không đi cội nguồn của quê mẹ của mình. Khởi nguồn cho chương trình này được tiến hành từ năm 2008, khi chúng tôi phối hợp cùng tổ chức bảo vệ trẻ em Hàn Quốc và ngân hàng Hana và cử tình nguyện viên tiến hành các lớp dạy đầu tiên.

 

Hiện nay, chúng tôi đã và đang duy trì lớp học tại Seoul và Gumi do Hội chủ trì tổ chức để dạy miễn phí cho các cháu, và giảng viên dạy các lớp này cũng là các giảng viên có trình độ sư phạm, thông thạo cả 2 ngôn ngữ để giúp cho các cháu dễ dàng tiếp thu hơn.

Tuy nhiên do quỹ Hội có hạn nên chúng tôi chưa thể mở rộng chương trình này đến các khu vực khác. Chúng tôi đang cố gắng tìm thêm nhiều phương thức để có thêm nhiều lớp như thế này trên các khu vực.

 Cần nhìn nhận lại chính sách thu hút trí thức Việt kiều

 PV: Ở Hàn Quốc có một tỷ lệ trí thức người Việt khá lớn. Hội người Việt tại Hàn Quốc làm thế nào để huy động được đội ngũ trí thức đóng góp chất xám về quê hương, thưa ông?

 Ông Trần Hải Linh: Đội ngũ trí thức ở Hàn Quốc có khoảng gần 5.000 người, đa số đã có trình độ Đại học và sau Đại học, trong đó có nhiều người đang làm việc tại các trường Đại học, các viện nghiên cứu với các chương trình trọng điểm về khoa học và công nghệ của Hàn Quốc.

Do vậy, vào năm 2014 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Văn phòng Bộ Khoa học-Công nghệ Việt Nam tại Hàn Quốc và chúng tôi có tổ chức và thành lập Ban liên lạc chuyên gia trí thức Việt Nam tại Hàn  Quốc. Đây sẽ đầu mối kết nối các chuyên gia, trí thức Việt tại đây. Chúng tôi hy vọng rằng việc làm này sẽ là tiền đề cho việc huy động đội ngũ trí thức đóng góp chất xám trong việc xây dựng và phát triển quê hương 

 PV: Trong nhiều năm qua, chế độ chính sách trong nước đã có nhiều đổi mới để huy động trí thức kiều bào, nhưng thực tế vẫn chưa thực sự hiệu quả. Là đại diện cho đội ngũ trí thức Việt ở Hàn Quốc, theo ông đâu là những khó khăn cơ bản đang cản trở sự đóng góp của đội ngũ trí thức Việt kiều đối với đất nước?

 Ông Trần Hải Linh: Tôi vừa tham dự chương trình Xuân Quê hương 2015 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức và tôi cũng được nghe con số là trong năm 2014 có khoảng 400 lượt chuyên gia trí thức về Việt Nam trao đổi và làm việc.

 

Bà con người Việt ở Hàn tổ chức đón Tết, mừng Xuân

Theo tôi, đây vẫn là con số rất khiêm tốn so với tiềm lực của trí thức kiều bào ở nước ngoài. Tôi nghĩ chế độ chính sách trong nước đã có nhiều đổi mới để huy động nguồn lực quý giá này, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều hạn chế và khó khăn. Theo tôi vấn đề chủ yếu là việc trao đổi và nắm bắt thông tin giữa các cơ quan phụ trách ở trong nước với đội ngũ trí thức ở nước ngoài còn gặp nhiều hạn chế, mặt khác chính sách ở trên có thể tốt, nhưng đến khi thực thi còn gặp nhiều khó khăn nhất định. Điều này thực sự cần nhìn nhận lại một cách đúng đắn và có cách xử lý phù hợp hơn để tạo điều kiện cho trí thức kiều bào được đóng góp nhiều hơn trong việc xây dựng và phát triển đất nước.

 

 PV: Để gắn kết cộng đồng cũng như động viên bà con có các hoạt động hướng về Tổ quốc, vai trò của Chủ tịch Hội là rất quan trọng. Ông có thể chia sẻ nhiệm vụ vinh dự nhưng trách nhiệm cũng khá nặng nề này?

 Ông Trần Hải Linh: Tôi tiếp tục nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội nhiệm kỳ II. Đây là một vinh dự lớn lao khi được cộng đồng tin tưởng trong việc lãnh đạo và tổ chức các hoạt động Hội. Đây cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề đối với tôi, nhưng tôi hoàn toàn không hề lo lắng bởi bên cạnh tôi luôn có các ủy viên Ban Chấp hành Hội và các chi hội, tổ chức Hội, đoàn cơ sở, những con người hết sức năng động, có trách nhiệm và nhiệt tình này sẽ cùng tôi chung tay xây dựng một cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc đoàn kết và phát triển bền vững. Bên cạnh đó chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao trong các mặt công tác.

 PV: Nhân dịp năm mới, mong ông cho biết những dự định của bản thân cũng như của Hội trong công tác cộng đồng để Hội người Việt tại Hàn Quốc ngày càng là “một bộ phận không thể tách rời của dân tộc”?

 Ông Trần Hải Linh: Xuân Ất Mùi 2015 là mùa xuân của năm có nhiều sự kiện quan trọng, những dấu son trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta; đó là 85 năm Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 40 năm thống nhất đất nước, và 85 năm ngày truyền thống Mặt trận dân tộc thông nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chúng tôi, cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc xin hứa sẽ nỗ lực hết sức mình trong việc đoàn kết, yêu thương, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau tại nước sở tại, tổ chức được các chương trình sự kiện có ý nghĩa để chào đón những sự kiện trọng đại này, và cũng sẽ dốc toàn bộ tâm huyết của mình trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo VOV


Lượt xem: 18

Trả lời