Đánh giá đúng tình hình để đưa ra giải pháp chống dịch phù hợp thời gian tới

Cập nhật 09/10/2021, 16:10:11

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian tới, phòng chống dịch cần có tư duy nhận thức và tổ chức thực hiện đổi mới, sát với thực tế.

Sáng 9/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với Ban chỉ đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt tại các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước. Tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ xét nghiệm dương tính trước đây từ 3,7% dân số giờ giảm xuống chỉ còn thấp nhất 0,2%. Tỷ lệ tử vong giảm rất sâu.

Tính đến 08/10/2021, cả nước đã tiêm được khoảng 51,4 triệu liều vaccine, trong đó khoảng 23,8 triệu người đã tiêm 1 liều vaccine và 13,8 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine. Tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên đạt 52,3%.

Đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; an toàn trật tự xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân trong vùng dịch được ổn định, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững.

Tại 23 tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện nới lỏng giãn cách; có 10 tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách, thực hiện giãn cách theo phân vùng nguy cơ; có 8 tỉnh, thành phố nới lỏng từ áp dụng Chỉ thị 16 toàn địa bàn xuống áp dụng Chỉ thị 15 toàn địa bàn; có 4 tỉnh, thành phố nới lỏng từ áp dụng Chỉ thị 16 toàn địa bàn xuống áp dụng Chỉ thị 19 toàn địa bàn.

Đến nay, có 15.759 đơn vị, doanh nghiệp với 1.473.200 công nhân, lao động đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm” hoặc kết hợp cả “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm”.

Tại cuộc họp, các địa phương và thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thống nhất nhận định, các chủ trương, quan điểm, biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua là đúng đắn, hiệu quả, mang lại nhiều kết quả tích cực. Đồng thời, chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm, tập trung thảo luận một số vấn đề.

Đánh giá đúng tình hình để đưa ra giải pháp chống dịch phù hợp thời gian tới - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần, nỗ lực lớn của các địa phương, đặc biệt là địa phương tâm dịch đã từng bước kiểm soát tình hình, thực hiện tốt 3 trụ cột: cách ly hẹp nhất nhưng chặt nhất; xét nghiệm thần tốc, an toàn khoa học, hiệu quả và tiến hành điều trị từ xa, từ sớm, từ cơ sở, góp phần giảm tử vong.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không mất bình tĩnh. Thời gian tới, phòng chống dịch cần có tư duy nhận thức và tổ chức thực hiện đổi mới, sát với thực tế, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Về giao thông vận tải phải tổ chức thống nhất trên toàn quốc, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không làm mỗi nơi một kiểu nhưng phải thận trọng, an toàn, có lộ trình cụ thể.

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ, tổ chức tốt việc đưa đón người dân có nhu cầu về quê, đảm bảo an ninh, an toàn, an sinh. Đồng thời, cần có lộ trình để có hộ chiếu vaccine, tiếp tục thống nhất các nền tảng công nghệ tạo thuận lợi nhất cho nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt an sinh xã hội, không để sót, lọt bất cứ người dân nào; phối hợp, hoàn thiện công nghệ trong phòng, chống dịch; có kế hoạch thông tin, tuyên truyền theo từng tuần, hàng tháng và đột xuất, trên tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, gây ảnh hưởng tới khối đại đoàn kết và ảnh hưởng tới công cuộc phòng, chống dịch; tiếp tục nghiên cứu, có lộ trình thực hiện hộ chiếu vaccine; tổ chức mở cửa trở lại các trường học tại những nơi đảm bảo an toàn; có các giải pháp đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Việc rút lực lượng chi viện cho các tỉnh phía Nam cần thực hiện từng bước, căn cứ tình hình cụ thể, nhất là độ bao phủ vaccine tại các địa phương, nhằm đảm bảo không bị động trước mọi tình huống.

Theo VTV


Lượt xem: 7

Trả lời