Đảm bảo cao nhất chất lượng các dự án luật trình Quốc hội

Cập nhật 08/9/2022, 06:09:16

Ngày 7/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào một số dự thảo Luật, Nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét.

Tới dự Hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Phát biểu gợi mở những vấn đề mấu chốt, còn nhiều ý kiến khác biệt trong các dự án luật để các đại biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hội nghị lần này nhằm phát huy vai trò, trí tuệ của các đại biểu quốc hội chuyên trách trong đóng góp ý kiến với 6 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết sẽ trình tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới đây.

Đảm bảo cao nhất chất lượng các dự án luật trình Quốc hội - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều đại biểu cơ bản tán với việc tiếp tục giữ Thanh tra cấp huyện; đề nghị quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc thành lập, thẩm quyền của thanh tra cấp tổng cục, cục thuộc Bộ và thanh tra cấp sở, trên tinh thần đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm tra, giám sát của các các cấp chính quyền nhưng không làm phát sinh biên chế, chồng chéo, phát sinh tiêu cực và đảm bảo tính độc lập trong hoạt động thanh tra. Một số đại biểu đề nghị cân nhắc việc bỏ thời hạn công khai kết luận thanh tra để phù hợp với chủ trương minh bạch, khách quan, kịp thời, chính xác của hoạt động thanh tra.

Đảm bảo cao nhất chất lượng các dự án luật trình Quốc hội - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Về dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu đánh giá cao dự án Luật đã thể chế hóa được chủ trương của Đảng, cụ thể hóa được quyền làm chủ của người dân trong tham gia quản lý xã hội. Tuy nhiên, một số ý kiến lưu ý cần cân nhắc các quy định liên quan đến thành lập Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, đảm bảo công bằng, tránh dân chủ hình thức, phiền hà đối với các hình thức nhân dân tham gia đóng góp ý kiến.

Tán thành việc việc sửa đổi Luật Phòng chống rửa tiền, nhiều đại biểu khẳng định dự luật được xây dựng theo hướng bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia, phù hợp với các Hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Một số ý kiến cũng đề nghị rà soát các nội dung, đảm bảo sự thống nhất, liên thông của pháp luật hiện hành; xác định các đối tượng báo cáo và vai trò, trách nhiệm của cơ quan chức năng để không sót lọt giao dịch đáng ngờ cũng như tránh lạm dụng quyền lực.

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện, một số đại biểu đề nghị cần nghiên cứu đánh giá kỹ để có các quy định về phương thức, thời hạn cấp phép sử dụng tần số, đấu giá tần số vô tuyến điện, tránh cơ chế xin cho cùng việc đáp ứng yêu cầu về an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế.

Ngày 8/9, Hội nghị Đại biểu quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận về dự án luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi, luật khám chữa bệnh sửa đổi và dự thảo Nghị quyết nội quy kỳ họp quốc hội sửa đổi.

Theo VTV


Lượt xem: 1

Trả lời