Chủ tịch nước: Đưa danh xưng Quảng Nam trở thành thương hiệu thu hút du khách bốn phương

Cập nhật 29/12/2021, 08:12:20

Nêu những truyền thống quý báu của người dân xứ Quảng được hun đúc qua 550 năm qua, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Quảng Nam có chiến lược đưa danh xưng Quảng Nam trở thành thương hiệu thu hút nhà đầu tư và du khách bốn phương.

 Tối ngày 28/12, tại Thành phố Tam Kỳ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471 – 2021). Cùng dự có ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương; các vị khách quốc tế; đại diện các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cách đây 550 năm, Vua Lê Thánh Tôn đã đặt tên cho vùng đất Quảng Nam, bao gồm 3 Phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn. Do đó sự kiện hôm nay không chỉ có ý nghĩa đối với Quảng Nam mà còn đối với cả Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và cả khu vực Miền Trung. Quảng Nam, tên gọi đầy ý nghĩa thể hiện tầm nhìn xa trông rộng về non sông đất nước Việt ta cũng như khát vọng dân tộc hùng cường.

Chủ tịch nước bày tỏ xúc động chứng kiến sự khởi sắc về kinh tế và sự thay da đổi thịt của đời sống người dân Miền Trung. Đây là dịp để làm sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất giàu truyền thống hào hùng, khoa bảng với những “Tứ hổ”, “Tứ kiệt”, “Ngũ phụng tề phi”.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay Quảng Nam đã vẹn tròn sứ mệnh thiêng liêng là đất phên giậu, là nơi đầu sóng, ngọn gió đúng như Chúa tiên Nguyễn Hoàng đã nhận định, Quảng Nam là “đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, là “đất dụng võ của người anh hùng”, “hội đủ những điều kiện cho thế công, cũng như thế thủ; nếu biết “dạy dân, luyện binh” thì có thể xây dựng sự nghiệp cho muôn đời”.… Trên mảnh thiêng liêng này luôn sản sinh ra những anh hùng hào kiệt, chí sĩ, đóng góp công trạng vẻ vang cho đất nước và quê hương. Lịch sử mãi khắc ghi hình ảnh, tên tuổi của Hoàng Diệu, Thái Phiên, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Phạm Phú Thứ, Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La Nguyễn Thành, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Võ Chí Công,… và tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng quả cảm quyết thắng ngoại xâm của người dân xứ Quảng. Quảng Nam còn là cái nôi “chữ quốc ngữ” và đi đầu trong toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tỉnh Quảng Nam ngày này được vinh dự kế thừa cái danh xưng đã từng làm rạng rỡ dân tộc trên tiến trình “mở cõi”.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, trên chính mảnh đất “cửa biển có ba, ngã nguồn có sáu” với vị trí vươn ra Biển Đông đã định hình cho người dân Xứ Quảng khát vọng giao tiếp hướng đến cái mới, tố chất mạnh mẽ, can trường, sáng tạo, chịu đựng gian khổ, anh hùng, quả cảm, khẳng khái, cao thượng, nhân văn để rồi ở những thời điểm mang tính lịch sử, luôn hiện hữu nổi trội, tích cực, đóng góp quan trọng vào quá trình khai cơ lập nghiệp, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Nêu những giá trị văn hóa đặc trưng, độc đáo, có sức sống lâu bền được bồi đắp 550 qua, Chủ tịch nước cho rằng, trải qua bao thăng trầm, thay đổi, tỉnh Quảng Nam ngày nay và các địa phương trong vùng vẫn luôn giữ vững truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng, đáng tự hào. Những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha ông đã giúp gây dựng lên một Quảng Nam tự tin, năng động, hòa nhịp cùng sự đổi mới của đất nước.

Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và 25 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuộc nhóm nghèo nhất nước, Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục là điểm sáng, duy trì vai trò đầu tàu trong tăng trưởng. Thaco Trường Hải đang dần thể hiện vai trò là con sếu đầu đàn của ngành công nghiệp cơ khí và ô tô, đóng góp ngân sách lớn, tạo nhiều việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa không chỉ đối với Quảng Nam mà còn với cả nước và đang hướng ra cạnh tranh toàn cầu.

Phát huy những truyền thống đáng tự hào đó, Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII. Khó khăn hiện nay đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, biến thách thức thành cơ hội, chuyển khó khăn thành ý chí và quyết tâm hành động. Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng và lợi thế hiếm của một tỉnh nằm ở trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm Trung bộ, trong đó tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch và nông nghiệp công nghệ cao…

Tỉnh cũng cần đẩy mạnh việc đầu tư Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, bổ trợ cho ngành ô tô gắn với đầu tư xây dựng hạ tầng, đô thị, khu công nghiệp; thương mại – dịch vụ – du lịch – logistics.

Từ những giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất, con người Quảng Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: “Phát huy giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa như tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Quảng Nam là một tỉnh đa dạng về văn hoá, có nhiều vi mạch quý cho bảng mạch văn hoá đa sắc màu của Việt Nam; nhiều làng nghề nổi tiếng là kết tinh của những giá trị hữu hình và vô hình, là nguồn lực quý giá cho phát triển du lịch của Quảng Nam, của Miền Trung và của cả nước. Phát huy tốt hơn nữa vốn con người, đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nhân tài, khơi dậy khát vọng vươn lên của con người xứ Quảng”.

Quảng Nam cũng cần thực hiện tiến bộ xã hội tương xứng với trình độ phát triển kinh tế, khuyến khích đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và chăm sóc y tế, nhất là bối cảnh COVID-19, hoàn thiện mạng lưới an sinh và các chính sách bảo trợ xã hội, thực hiện chăm lo các gia đình chính sách, nâng đỡ người yếu thế, “không để ai bị bỏ lại phía sau của sự phát triển”, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân tỉnh nhà.

Trước mắt, Quảng Nam cần tập trung nguồn lực phục hồi kinh tế hậu Covid-19, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, thúc đẩy tái mở cửa, nối lại các chuỗi cung ứng và thị trường lao động, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu kinh tế xã hội trong năm nay, đồng thời tạo đà vững chắc cho tăng trưởng kinh tế nhanh trong năm 2022, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu cho cả giai đoạn 2020-2025. Đảng và Nhà nước kỳ vọng sự đóng góp tích cực và lớn hơn nữa của Quảng Nam vào những kết quả chung của cả nước.

Mong muốn xây dựng tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Miền Trung phát triển nhanh và bền vững và cùng với cả nước trở thành tỉnh phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 – thời điểm 100 năm Quốc khánh, Chủ tịch nước kêu gọi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Miền Trung phát huy bản lĩnh, trí tuệ, truyền thống anh hùng cách mạng, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước./.

Theo VOV


Lượt xem: 13

Trả lời