Về thăm Câu lạc bộ dệt thổ cẩm ở Ia Ka

Cập nhật 16/1/2019, 17:01:30

Cùng với việc biết xoang thì phụ nữ Jrai hay Bana phải biết dệt thổ cẩm… Nét đẹp văn hóa mà tổ tiên để lại đã được nhiều người dân ở các làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai duy trì đến tận bây giờ. Mỗi khi rảnh rỗi, chị em lại miệt mài bên khung dệt để làm ra tấm áo, chiếc váy, chiếc khăn cho chồng cho con, hay để dành tặng bà con, họ hàng, thậm chí là bán để kiếm thêm thu nhập… Chúng ta hãy đến với xã Ia Ka, huyện Chư Pah để cùng tìm hiểu về nét đẹp văn hóa này của chị em nơi đây thông qua Câu lạc bộ dệt thổ cẩm đã được thành lập và duy trì trong gần 10 năm qua.

Cùng với việc tranh thủ dệt ngay tại nhà, những lúc mùa màng rảnh rỗi, nhiều phụ nữ ở làng M’Rông Yố 2, xã Ia Ka lại tụ tập tại nhà 1 chị em để cùng nhau dệt… Qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn se chỉ, dệt vải, phối màu…, các chị em đã làm ra những sản phẩm đặc sắc với nhiều loại hoa văn, họa tiết mô phỏng mái nhà rông, hoa pơ-lang, rừng núi, chim muông, chiêng ché, cây nêu… Thông qua những đường nét, màu sắc, hình khối ấy đã toát lên sự khéo léo, giản dị nhưng cũng rất mộc mạc, khỏe khoắn như khí chất của người Jrai.

Bà Rơ Chăm Hir –  Làng M’Rông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai chia sẻ: “Bà ngoại, mẹ dạy cho mình dệt thổ cẩm từ nhỏ nên mình biết dệt từ thời con gái đến giờ. Bây giờ mình truyền dạy cho mấy đứa nhỏ trong làng để chúng nó biết dệt để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nếu chịu khó làm thì cũng có thêm thu nhập nữa”.

Nhằm giữ gìn và phát huy các nghề truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc được trao truyền qua bao thế hệ, Câu lạc bộ dệt thổ cẩm xã Ia Ka được thành lập từ năm 2010.  Từ 47 chị em tham gia đến nay đã thu hút gần 100 phụ nữ thuộc nhiều lứa tuổi ở các làng tham gia… Không chỉ là nơi sinh hoạt bổ ích, giúp chị em chia sẻ kinh nghiệm quý báu về nghề dệt thổ cẩm từ đó thêm gắn kết, mà thông qua Câu lạc bộ còn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của người Jrai. Và đây cũng chính là địa điểm thú vị mà nhiều du khách muốn tham quan, tìm hiểu khi đến với Ia Ka.

Em Rơ Chăm Nia – Làng M’Rông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai cũng nói: “Thấy mấy cô dệt làm nét hoa văn của dân tộc mình độc đáo, đẹp nên mình thích học dệt, may. Nếu mình học được thì mình dạy cho các con em học thêm theo dân tộc mình, không bỏ được vì ông cha mình để lại, đời con đời cháu phải giữ gìn”.

Chị Rơ Châm H’Ken – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “Khi khách đến tham quan thì chúng tôi kết nối và dẫn trực tiếp khách đến tham quan các hộ, các chị thành viên, qua đó giúp khách biết đến nghề dệt thổ cẩm, giúp các thành viên Câu lạc bộ phát triển kinh tế. Ngoài ra cũng liên kết với các món ăn đặc sản của địa phương, quảng bá các sản phẩm của chị em để khách trong và ngoài nước biết đến”.

Là trang phục truyền thống của dân tộc, khi làng có lễ hội hay trong những dịp lễ, tết, sự kiện văn hóa đặc biệt của địa phương, đồng bào Bana, Jrai lại càng tươi đẹp và khí chất hơn trong những bộ đồ truyền thống của dân tộc mình… Được mặc trên mình trang phục truyền thống của dân tộc, bà con cảm thấy rất vui và tràn đầy hãnh diện, tự hào, qua đó góp phần để lại những dấu ấn khó phai đối với du khách muôn phương về đất và người Tây Nguyên./.

Thiên Thanh,  Duy Linh


Lượt xem: 107

Trả lời