Văn hóa uống trà – Nét đẹp ngày Tết

Cập nhật 25/1/2021, 16:01:53

Tết đến, người người hân hoan vui mừng chào đón và hy vọng bao điều tốt đẹp. Đây cũng là dịp để gia đình sum họp, đoàn tụ; là cơ hội để bạn bè gặp mặt tâm tình. Và trong không gian đất trời vào xuân ấy, trong mỗi gia đình đều không thể thiếu chén trà ấm. Uống trà- thú vui tao nhã đã trở thành một nét văn hóa phổ biến rộng rãi trong đời sống người Việt.

Cùng với đặc sản cà phê, trà là thức uống không thể thiếu và có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người dân cao nguyên Gia Lai. Trong tiết trời se lạnh, pha một ấm trà nóng, hương vị trà dường như giúp con người giao hòa với trời đất, gần gũi hơn với thiên nhiên, những lo toan thường nhật tan biến, chỉ còn lại sự bình yên, thanh tịnh với câu chuyện hàn huyên ấm cúng.

Ông Lê Xuân Chiểu – Phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku, Gia Lai chia sẻ: “Cách pha trà phải chuẩn bị bình nước nóng, chọn trà đặc biệt, ngon. Đổ nước vào phải đổ từ từ. Khi rót phải rót đều. Để làm thế nào khi thưởng thức trà phải ngon, thơm, tinh khiết. Nó thể hiện  nếp sống văn hóa cổ truyền của người Việt Nam. Văn hóa của dân tộc thì chúng ta phải giữ gìn nó, đừng để mai một đi”.

“Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ ấm, ngũ quần anh” là câu nói miêu tả toàn bộ nghệ thuật và văn hóa pha trà. Trà ngon nhất khi được pha với loại nước thanh khiết tự nhiên và được đun sôi trên bếp. Trà để pha cũng phải tuyển chọn công phu và người pha cũng phải hiểu rõ đặc tính của từng loại thì mới cho ra được ấm trà ngon. Khi pha trà, màu nước trà phải vàng sánh trong xanh, hương trà, hương hoa thơm nhẹ tự nhiên. Nhấp 1 ngụm trà sẽ cảm nhận được vị đắng chát mà ngọt hậu.

Anh Trần Vinh – Phường Phù Đổng, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: “Người Việt Nam luôn chọn ly trà để mời khách, là đầu câu chuyện. Chúng ta cũng cảm nhận được ly trà là tinh túy, văn hóa của người Việt Nam. Khi ta thưởng thức 1 ly trà nó giúp cho tâm bình thản. Làm cho người ta tỉnh thức hơn và nhìn nhận rõ hơn về cuộc sống”.

Văn hóa uống trà của người Việt gần gũi, giản dị, nhưng cũng rất đỗi tinh tế. Cùng với thời gian thú thưởng trà cũng đã dần có nhiều thay đổi. Uống trà bây giờ không còn là cái thú riêng của những người lớn tuổi mà những người trẻ cũng rất thích tìm hiểu về văn hóa này.

Chị Phạm Thị Xuân Thơ- Phường Hội Phú, thành phố Pleiku, Gia Lai cũng nói: “Đầu xuân năm mới được thưởng thức 1 ly trà mình cảm thấy rất ấm áp. Vị trà thì có đắng và ngọt hậu. Giống như trong cuộc sống vậy. Mình mong muốn năm mới mọi việc sẽ suôn sẻ và may mắn”.

Trà đã đi vào tâm hồn người Việt một cách tự nhiên, tĩnh lặng. Dẫu có những thay đổi, dẫu có nhiều thức uống khác phong phú hơn nhưng uống trà vẫn là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Văn hóa trà Việt ấy không chỉ thể hiện một thức uống phổ biến trong đời sống hàng ngày, trong mỗi độ Tết đến Xuân về mà còn trở thành một thú vui thanh tao của người Việt.

Nhâm Dung, Minh Trí


Lượt xem: 41

Trả lời