Trạm Lập: Ngày ấy – Bây giờ

Cập nhật 06/2/2018, 10:02:37

Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước nhiều công nhân từ Nghệ An chuyển vào công tác ở Lâm trường Trạm Lập và lập nghiệp trên mảnh đất xã Sơn Lang, huyện Kbang. Vượt qua vô vàn những khó khăn ban đầu, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đến nay sau hơn 30 năm, Trạm Lập đã có nhiều khởi sắc đáng phấn khởi.

Năm 1984 Lâm trường 2 được thành lập (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trạm Lập) đứng chân cách trung tâm xã Sơn Lang, huyện Kbang khoảng 20 km. Theo lời kể của những người công nhân của lâm trường lúc bấy giờ, năm 1985 gần 30 công từ Lâm trường Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An vào nhận công tác. Heo hút, hoang vu là khung cảnh của mảnh đất này thời bấy giờ với vô vàn những khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Nga – Nguyên công nhân Lâm trường Trạm Lập, huyện Kbang cho biết: “Khi bước chân vào đây thì chỉ thấy hoang vu, rừng rú rậm rịt không có một cái gì hết, chỉ có 1 cái nhà tôn làm trụ sở cho Lâm trường. Sau đó anh em công nhân vào mới đi chặt cây dựng và trét đất xung quanh để làm 2 dãy nhà tập thể; 1 cho các gia đình, 1 dãy cho thanh niên. Lúc đó thì sống đang là bao cấp của Nhà nước gạo thì có nhưng không có gì ăn”.

Sau đó, đơn vị đổi tên thành Lâm trường Trạm Lập và có thêm những đội công nhân được phân công về công tác nhưng trước những khó khăn, vất vả không ít người đã bỏ về. Song bên cạnh đó, nhiều cán bộ, công nhân của Lâm trường vẫn kiên trì bám trụ để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước phân công.

Ông Đàm Văn Tích, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trạm Lập cho biết: “Dù khó khăn nhưng chúng tôi cố gắng khắc phục để làm sao cùng với anh em, động viên anh em công nhân, nhất là những người không được qua trường lớp; chúng ta những người được đào tạo qua trường lớp thì không có lý do gì phải bỏ việc khó cho người khác làm mà mình chọn việc dễ nên chúng tôi cố gắng. Và cũng như thế thì chúng tôi cũng rất vinh dự khi được chứng kiến điều kiện bây giờ đi lên cùng xã hội là điều rất đáng mừng”.

Cùng với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, những công nhân của Lâm trường cũng bắt đầu khai hoang canh tác, phát triển kinh tế. Dần về sau những khó khăn, vất vả cũng qua đi thay vào đó là một cuộc sống mới. Thấy có điều kiện, người thân, xóm làng của những công nhân Lâm trường cùng nhau vào đây lập nghiệp, cùng với làng đồng bào dân tộc Bahnar tại chỗ hình thành khu Trạm lập bây giờ.

Ông Nguyễn Ngọc Mão, Làng Điện Biên, xã Sơn Lang, huyện Kbang nói: “Tôi vào đây năm 1993 và vào đây thấy đất đai rất là màu mỡ; khí hậu ở đây rất là ôn hòa, rét thì không có rét mà gió bão cũng không tới và rất phù hợp với lý tưởng của tôi nên tôi xác định lập nghiệp ở đây”.

Đến nay, khu vực Trạm lập có 2 thôn và 1 làng với hơn 200 hộ. Bà con nơi đây luôn đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển và coi đây là quê hương thứ 2 của mình để làm ăn, phát triển kinh tế. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất mang lại thu nhập cao cho người dân.

Ông Dương Quốc Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang, huyện Kbang cho biết: “Hơn 30 năm dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và dưới sự lãnh đạo của 3 thôn, làng trong đó thì bà con nhân dân người Kinh, người Bahnar đoàn kết, trên dưới 1 lòng và xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển. Thể hiện cho điều đó là thời gian gần đây thì tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định; kinh tế ngày càng phát triển; hộ nghèo ngày càng giảm xuống và tỷ lệ hộ nghèo khu vực Trạm lập thấp hơn so với mặt bằng chung của xã”.

Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước những hạ tầng cơ sở thiết yếu ở khu vực Trạm lập đã dần hoàn thiện đáp ứng được nhu cầu đời sống, sinh hoạt của người dân. Và nhất là khi có tuyến đường Trường Sơn Đông chạy qua việc giao thương, đi lại của người dân trong khu vực đã thuận tiện hơn rất nhiều. Sau hơn 30 năm, Trạm Lập ngày ấy giờ đã khoác lên mình tấm áo mới tươi sáng với những sắc xuân tràn đầy./.

Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 250

Trả lời