Thành phố Pleiku quá tải y tế cơ sở khi quản lý F0 tại nhà

Cập nhật 15/3/2022, 11:03:15

Hiện nay, việc quản lý F0 tại nhà đang được xem là một chủ trương phù hợp khi tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 đạt mức cao. Tại Tp. Pleiku, từ ngày 15/1/2022, địa phương đã triển khai thực hiện quản lý F0 không triệu chứng tại nhà dưới sự giám sát chặt của các cơ quan chức năng. Mô hình điều trị này bước đầu đã được phát huy và đem lại hiệu quả thiết thực trong điều kiện thích ứng với trạng thái bình thường mới, góp phần giảm tải cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, trước việc ghi nhận số ca mắc Covid – 19 tăng đột biến trong gần 1 tháng qua, trong số đó có cả nhân viên y tế xã, phường đã khiến cho công tác quản lý F0 tại nhà trên địa bàn thành phố trở nên quá tải.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ trong vòng 2 tháng rưỡi toàn Tp. Pleiku ghi nhận tới gần 12 ngàn ca mắc Covid – 19 mới. Ngoài số ca đã điều trị khỏi, hiện địa phương còn 310 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở điều trị Covid – 19 và 5.860 trường hợp đang quản lý, cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà. Như vậy, bình quân mỗi Trạm Y tế xã, phường trên địa bàn thành phố phải quản lý từ 260 đến 300 ca F0 tại nhà tuỳ thuộc vào nhân lực của Trạm Y tế mỗi địa phương nhiều hay ít.

Y sĩ Hà Thị Tuyết Lý – Phó trưởng Trạm Y tế phường Hoa Lư, Tp. Pleiku nêu: “Hiện tại Trạm Y tế nhân lực rất là mỏng, chỉ có 5 nhân lực thôi, cho nên anh em y tế làm rất là cật lực, và làm suốt cả ngày, rồi thậm chí tới đêm, nên là công việc nó quá tải. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ kịp thời cho nhân dân thì cũng mong muốn rằng là làm sao phân bổ đủ nhân lực để cho mình đỡ quá tải.”

Vì nhân lực y tế mỏng nên hiện nay một số Trạm Y tế xã, phường trên địa bàn Tp. Pleiku nói riêng, toàn tỉnh nói chung để F0 đang trong thời gian quản lý tại nhà tự ý đi đến cơ sở y tế để lấy mẫu test nhanh kháng nguyên SARS – CoV – 2 lại hoặc xin giấy chứng nhận mình đã hết thời gian cách ly tại nhà là không đúng quy định vì bệnh Covid – 19 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A cần phải được giám sát chặt chẽ.

Anh Nguyễn Văn Minh – Tổ  dân phố 4 , phường Hoa Lư, Tp. Pleiku nói: “Khi tôi bị F0 thì tôi cũng có báo Trạm Y tế và được cho điều trị tại nhà. Trong suốt quá trình điều trị, y tế cũng thường xuyên gọi điện thăm khám, hướng dẫn tôi cách điều trị, khi mà có gì không hiểu tôi cũng gọi điện cho y tế để được tư vấn. Sau 7 ngày tôi đã hoàn toàn khỏi bệnh.”

Một vấn đề nữa hiện nay là hầu hết các Trạm Y tế xã, phường trên địa bàn Tp. Pleiku đều có nhân viên y tế bị F0, vì vậy khối lượng công việc đặt trên vai những người còn lại sẽ tăng gấp đôi, gấp 3 lần, trong khi số ca F0 ghi nhận mỗi ngày trên địa bàn thành phố lại không hề giảm.

Y sĩ Hồ Thái Sơn – Phó trưởng Trạm Y tế phường Hội Phú, Tp. Pleiku cho biết: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lực lượng y tế cũng bị mắc Covid – 19 rất là lớn, cho nên là anh em rất là khó khăn về lực lượng để làm nhiệm vụ. Đối với phường Hội Phú hiện tại đã có hai hai cán bộ y tế dương tính, lực lượng còn bốn người, anh em cũng động viên cố gắng làm hoàn thành nhiệm vụ thôi.”

 Ông Nguyễn Tín – Chủ tịch UBND phường Tây Sơn, TP. Pleiku trao đổi: “Đối với việc quản lý F0 tại nhà hiện nay cái khó khăn, vướng mắc hiện nay đó là việc rác thải, xử lý nước thải, đối với các hộ mà có người dương tính. Trạm Y tế cũng đã vận động, tuyên truyền cho các hộ nhân dân là thực hiện nghiêm các quy định trong xử lý rác thải.”

Với số lượng người nhiễm Covid-19 tăng nhanh thì việc cho phép theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà đã góp phần giảm tải số lượng người bệnh tại bệnh viện cũng như các điểm thu dung.  Tuy nhiên để việc quản lý F0 tại nhà ngày càng thuận lợi hơn, Tp. Pleiku và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai cần nâng cao vai trò của tổ Covid cộng đồng. Theo đó, cần phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên, thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm, đồng thời nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả trong việc quản lý F0 tại nhà ./.

Lệ Xuân – Bá Bính


Lượt xem: 30

Trả lời