Tín hiệu vui từ sản phẩm OCOP đầu tiên ở vùng biên giới Ia Púch

Cập nhật 28/1/2022, 14:01:55

Bước sang năm mới 2022, xã biên giới Ia Púch thuộc huyện Chư Prông  đã có nhiều đổi thay và khởi sắc từ bộ mặt nông thôn đến cuộc sống của nhân dân. Đặc biệt, thời gian qua, bằng sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và sự sáng tạo, học hỏi của người dân, xã Ia Púch đã bước đầu đón nhận những tín hiệu vui với các mô hình sản xuất mới có hiệu quả. Trong đó, phải kể đến “trái ngọt” khi địa phương xây dựng thành công sản phẩm hạt điều rang muối đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh.  Điều này đang mở ra một kỳ vọng mới trong việc nâng cao thu nhập cho bà con từ loại cây trồng chủ lực vùng biên Ia Púch.

 Trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, không khí làm việc tại cơ sở sản xuất hạt điều rang muối của HTX Nông nghiệp Ia Púch ở làng Goòng, xã Ia Púch càng nhộn nhịp và tất bật hơn. Hạt điều sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Mặc dù cách Tết cổ truyền còn nửa tháng nhưng HTX không dám nhận thêm đơn đặt hàng của khách vì sợ không làm kịp. Điều này phần nào minh chứng cho chất lượng sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu sẵn có của địa phương. Nhờ sự tìm tòi, học hỏi và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX Nông nghiệp Ia Púch đã nâng tầm loại hạt của cây “xóa đói giảm nghèo” vùng biên thành một sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Chị Đậu Thị Lanh, HTX Nông nghiệp Ia Púch, huyện Chư Prông nói: “Thuận lợi của mình thì mọi thứ đều là tại chỗ. Nguyên liệu tại xã và tự mình làm. Mẫu mã bao bì sản phẩm thì thuê thiết kế, hồ sơ thì nhờ cán bộ NN hướng dẫn. HTX tham gia OCOP với mong muốn làm được 1 cái thương hiệu để bà con nông dân hãnh diện vì sản phẩm hạt điều địa phương”.

Học hỏi nhiều nơi sau đó áp dụng ngay chính nơi được chọn làm quê hương thứ 2 của mình, chị Đậu Thị Lanh đang dần khẳng định hướng phát triển kinh tế bằng mô hình điều rang muối là hiệu quả. Với cách chế biến truyền thống như rang với muối trên lửa, sản phẩm hạt điều do chị Lanh sản xuất đã chinh phục được những khách hàng sành ăn bằng chất mộc mạc của vị ngọt tự nhiên quyện với vị bùi, béo vốn có của những hạt điều được trồng trên mảnh đất đầy nắng, gió vùng biên. Nhờ đó, trong năm qua, HTX Nông nghiệp Ia Púch sản xuất và tiêu thụ được khoảng 3 tấn nhân, thu về lợi nhuận gần trăm triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Xuân, Thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông nhận xét: “Mình biết đến sản phẩm điều rang muối này được 2 năm rồi. Mình cảm nhận được vị ngọt, béo. Mình hay ăn hạt điều, trước đây mình hay mua ở Bình Phước nhưng không được ngon như này. Mình đã đặt 5 kg điều rang muối ở đây để biếu cho người thân trong dịp Tết. Nói chung giá thành không cao quá, người dân có thể mua được”.

Chị Đậu Thị Lanh, HTX Nông nghiệp Ia Púch, huyện Chư Prông cho biết: “Từ ngày đi thi OCOP về khách mua lại nhiều hơn. Thị trường mở rộng bán trong siêu thị, trên fb, zalo, đặc biệt là thị trường quà tết. Sắp tới muốn đầu tư máy móc hiện đại một chút để giảm chi phí đầu vào và có thể cạnh tranh được với mặt hàng ở các tỉnh khác”.

Nhiều năm qua, cây điều được xem là cây xóa đói giảm nghèo khi mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương. Tuy vậy, để vươn lên làm giàu bằng cây điều đối với bà con tại đây không phải là điều dễ dàng. Do đó, việc xây dựng thương hiệu điều rang muối thông qua chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đánh giá là tín hiệu vui về kỳ vọng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ia Púch, huyện Chư Prông nói: “Để xây dựng được một HTX sản xuất điều là cả sự nỗ lực của địa phương, nhất là của HTX.  Định hướng của địa phương là phát triển mạnh về cây điều. Cũng mong trong thời gian tới nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp để HTX được phát triển lên, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm điều thuận lợi”.

 Ia Púch là xã có diện tích điều lớn nhất huyện Chư Prông với hơn 600 ha. Với những đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng, cây điều ở đây phát triển tốt và cho ra sản phẩm hạt điều chất lượng. Cộng với đó, các sản phẩm từ hạt điều ngày càng trở nên phổ biến và được thị trường ưa chuộng đang mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội để địa phương khai thác, từ đó không chỉ giúp người dân  nâng cao thu nhập mà còn góp phần xây dựng địa phương ngày càng khởi sắc./.

Ngô Thanh, R’Piên


Lượt xem: 17

Trả lời