“Thay đổi nếp nghĩ cách làm” – Cuộc vận động làm thay đổi đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật 07/9/2020, 08:09:53

Gia Lai có 34 dân tộc anh em sinh sống với dân số trên 1,5 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 44%, phần lớn đời sống người dân tộc thiểu số còn ở mức thấp. Xác định rõ mục tiêu xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05 về giảm nghèo nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020, và định hướng đến 2025; Chỉ thị số 12 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Từ các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy, UBMTTQVN các cấp đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện sâu rộng ở cơ sở và đạt hiệu quả , trong đó cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ cách làm” đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống người dân và khởi sắc diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vườn rau sạch của gia đình chị Ksor H’Byen ở làng Breng3, xã Ia Der, huyện Ia Grai. Trong quá trình làm rau gia đình chị H’Byen đã biết áp dụng khoa học trong sản xuất, dùng hệ thống bằng Péc để tiết kiệm nước và công lao động; đồng thời che lưới ở trên và chăm sóc rau bằng phân hữu cơ, tạo nên rau sạch để bán được giá cao.

Chị Ksor H’Byen chia sẻ: “Trước đây, diện tích đất này trồng cà phê mít cằn cỗi, thu nhập thấp. Năm 2017, UBMTTQ xã vận động và hỗ trợ và hướng dẫn cho gia đình  để làm rau sạch. Vườn làm các loại rau đủ thứ như rau cải, xà lách, rau thơm… bán có nhiều tiền hơn trước đây”.

Mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi của gia đình ông Ksor Dría ở xã Ia Sol, huyện Phú Thiện. Từ nguồn hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo, ông đã mua bò giống sinh sản, làm lúa nước 2 vụ, rau màu các loại… thu nhập kinh tế gia đình từng bước được nâng lên, nhờ đó gia đình Ksor Dría đã thoát nghèo.

Ông Ksor Dría nói: “Được nhà nước hỗ trợ vốn, con giống, hướng dẫn cách làm ăn, gia đình đã cố gắng vươn lên, nay không còn đói nữa. Gia đình tôi xin rút khỏi hộ nghèo”.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân vùng dân tộc thiểu số, nâng cao ý thức phát triển sản xuất gia đình, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước. Nhiều gia đình đã thay đổi dần cách thức trong lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn; biết tiếp thu, học hỏi cái mới, tiến bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực sản xuất của gia đình, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ khi triển khai Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 4.176 mô hình với 25.414 hộ dân tộc thiểu số tham gia thực hiện. Từ hiệu qủa của mô hình đem lại, đã giúp được 10.100 hộ vươn lên thoát nghèo. Nhờ lồng ghép từ các phong trào, cuộc vận động và mô hình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Gia Lai giảm nhanh qua từng năm, cụ thể năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo là 19,7% thì đến năm 2019 giảm xuống còn 7,5%, dự kiến cuối 2020 là 4,5%.

Ông Đào Hải Nam – Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Ia Grai cho biết: “Thời gian qua UBNMTQVN huyện đã tuyên truyền và triển khai cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ cách làm”đem lại hiệu quả. Ban đầu thì chọn hộ và mô hình thí điểm để triển khai, đến nay thì nhiều mô hình đạt hiệu quả. Từ hiệu quả đó, thời gian tới, UBMTTQ huyện sẽ chỉ đạo Mặt trận các cơ sở tiến hành nhân rộng các mô hình mới, thực hiện rộng khắp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để người dân áp dụng chuyển đổi cây trồng vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống”.

Bà Đinh Thị Giang – Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh Gia Lai khẳng định: “Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ cách làm” đã đem lại hiệu quả, giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Trong thời gian tới, MTTQVN tỉnh sẽ chỉ đạo Mặt trận cấp tiếp tục cụ thể hóa nội dung Cuộc vận động lồng ghép với việc triển khai cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo và giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống người dân”.

Để thoát nghèo, trước tiên là phải thay đổi nhận thức, tạo động lực phấn đấu vươn lên. Quan trọng hơn, rất nhiều người dân vùng dân tộc thiểu số đã bỏ được tư duy dựa dẫm, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà thoát nghèo bằng chính sức lao động, bằng ý chí và nghị lực của mình, đó là điều đáng quý. “Thay đổi nếp nghĩ cách làm”- Cuộc vận động đã làm thay đổi cuộc sống người dân ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

Ngọc Ánh, Phi Long


Lượt xem: 711

Trả lời