“Thắp lửa nghề dệt thổ cẩm trong thời kỳ hội nhập.

Cập nhật 28/1/2022, 14:01:01

Bao đời nay, dệt thổ cẩm là một trong niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, các dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai nói riêng bởi nó mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất, con người nơi đây. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại ngày nay đang khiến văn hóa dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ mai một. Trước thực trạng này, thời gian qua, cùng với hệ thống chính trị, tổ chức Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm “thắp lửa”, giúp nghề dệt có thêm sức sống để duy trì và phát triển trong cộng đồng bà con DTTS.

   Trong không khí rộn ràng của những ngày tết đến xuân về, các làng DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai càng thêm tươi đẹp bởi được điểm tô sắc màu tươi tắn và hoa văn đa dạng của những sản phẩm thổ cẩm. Tại làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, trên nhiều ngôi nhà sàn không khó để bắt gặp hình ảnh người phụ nữ bên khung dệt. Người thì làm để mình và người thân diện trong dịp Tết, người thì tất bật để kịp hoàn thành những đơn hàng giao cho khách. Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, chị em thường tập trung một chỗ để tiện cho việc trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, khi dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, chị em ai lắp khung dệt ở nhà nấy.

Chị Chen, Làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang cho biết: “Trước đây tôi biết dệt sơ sơ thôi. Từ khi Hội Phụ nữ xã thành lập CLB dệt thổ cẩm ở làng thì tôi tham gia học và đã dệt được rất nhiều. Từ đó tôi dệt được nhiều sản phẩm không chỉ để dùng mà còn bán để kiếm thêm thu nhập”.

Cũng như nhiều nơi khác, số người biết nghề dệt thổ cẩm ở làng Dơ Nâu ngày càng ít dần. Trước thực tế đó, Hội LHPN địa phương đã quyết tâm thành lập tổ dệt thổ cẩm làng Dơ Nâu. Sau 2 năm hoạt động, từ chưa biết hoặc chỉ biết dệt sơ sơ, đến nay, 30 học viên là hội viên, phụ nữ trong làng đã nắm vững nghề dệt thổ cẩm và có thể sáng tạo thêm các hoa văn, màu sắc mới để cho ra những sản phẩm đẹp, độc đáo nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của người Bahnar.

          Chị Toach, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang cho biết: “Khi thành lập tổ dệt thổ cẩm tại làng thì mỗi chị được hỗ trợ khung dệt và sợi len để dệt. Không chỉ dệt theo truyền thống mà chúng tôi còn chỉ cho các chị sáng tạo thêm các hoa văn, màu sắc mới mẻ và đẹp hơn. Ngoài làm quần áo thì các chị cũng biết cách làm thêm các sản phẩm khi khách hàng yêu cầu. Không chỉ nắm vững tay nghề và yêu nghề, các chị luôn nhiệt tình truyền nghề cho con cháu của mình”.

Chị Hnhen, Chủ tịch Hội LHPN xã Kon Thụp, huyện Mang Yang cho biết: “Thời gian đầu rất là khó khăn nhưng chúng tôi phối hợp với Mặt trận, đoàn thể bước đầu là tặng cho chị em cái khung, sau đó tặng thêm bộ len. Thời gian đầu chúng tôi mời giáo viên hỗ trợ, sau đó chị em tự hỗ trợ nhau. Lúc đầu khó khăn nhưng chị em đã giúp nhau vượt qua để cùng gìn giữ nghề truyền thống. Hiện nay chúng tôi cũng đã triển khai đến các làng khác”.

 Thành lập các tổ nhóm, CLB cũng như các mô hình liên kết dệt thổ cẩm đang là hướng đi được tổ chức Hội LHPN trên địa bàn tỉnh nỗ lực thực hiện. Ngoài ra, một số địa phương cũng đã tích cực vào cuộc trong việc thành lập các mô hình dạy nghề cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm. Bước đầu, các mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đào tạo một cách bài bản cũng như bắt đầu khơi nguồn đam mê dệt thổ cẩm trong chị em DTTS.

Em Đinh Thị Toch, làng Hway, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ cho biết: “Mới vào học em chưa biết gì hết. Giờ tụi em cũng biết bước đầu là mình nấu để cứng sợi len, phơi 1,2 ngày xong cuốn thành cục rồi mới cho vào khung cửi để dệt được. Giờ tụi em cũng biết pha màu, các bước từ đầu đến cuối”.

Mang lại lợi ích kép khi vừa truyền nghề, vừa tạo ra thu nhập thêm cho chị em những lúc nông nhàn là hiệu quả thực tế từ các mô hình này. Tuy nhiên, để nghề dệt thổ cẩm thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao và trở thành thu nhập chính cho chị em là điều ít nơi làm được. Đây cũng là một trong những lực cản lớn nhất trong việc gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm hiện nay.

Bà Phạm Thị Bẩy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mang Yang cho biết: “Trong thời kỳ bùng nổ CNTT, nhất là trong thời kỳ đại dịch bùng phát, các chợ truyền thống rất khó, cho nên Hội LHPN cũng hướng dẫn chị em sử dụng các trang Facebook, Zalo để giới thiệu sản phẩm của mình không chỉ ở địa phương mà mở rộng ra nhiều nơi khác nữa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với Hội LHPN tỉnh, đồng thời kêu gọi các nguồn lực từ bên ngoài để làm sao chị em tiếp cận được CNTT và quảng bá sản phẩm của mình”.

Trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống như dệt thổ cẩm là việc làm hết sức cần thiết. Để việc làm này mang lại hiệu quả cao, song song với chú trọng dạy nghề, truyền ngọn lửa đam mê qua các lớp học thì việc làm sao để chị em sống được với nghề là yếu tố quan trọng. Có như vậy, ngọn lửa đam mê và tình yêu đối với các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm sẽ tiếp tục được nối dài và phát triển mạnh mẽ trong thế hệ trẻ ngày nay./.

Ngô Thanh, Thanh Sáng

      


Lượt xem: 6

Trả lời