Tao nhã với thú chơi cây hoa kiểng ngày Tết Việt

Cập nhật 27/1/2021, 15:01:08

Trong tâm thức của người Việt, nếu ngày Tết thiếu sắc hoa, cây cảnh thì chưa đúng nghĩa là Tết.Vì vậy với mỗi người Việt Nam, thú chơi cây kiểng ngày Tết dường như đã trở thành một nghệ thuật, là nét đẹp gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Người Việt Nam luôn hướng về ngày Tết với ý nghĩa thiêng liêng, trang trọng, thế nên bên cạnh việc ăn Tết, chúc Tết thì việc thưởng thức vẻ đẹp của hoa, cây kiểng trong ngày Tết cũng được xem là điều thi vị, là thú vui tao nhã.

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, những người đam mê nghệ thuật cây cảnh bonsai như anh Huỳnh Tấn Đạt ở phường Hội Thương, TP.Pleiku lại cần mẫn, uốn tỉa để có những dáng cây như ý, đặt tại một góc trang trọng trong ngôi nhà để thưởng ngoạn. Theo anh Đạt, cây cũng như con người, mỗi cây đều có lịch sử, có cuộc sống, tâm hồn và ý nghĩa riêng. Bởi thế, dưới bàn tay của người yêu cây, mỗi cọng rễ, lát cắt, thế uốn trên thân cây đều thể hiện tâm tư, tình cảm và sự hiểu biết về triết lý sống mà người chơi gửi gắm. Mỗi cây cảnh bonsai có kiểu dáng khác nhau và mỗi người có cách cảm nhận khác nhau về vóc dáng cây. Người lớn tuổi, tính sâu lắng thì thích kiểu dáng thể hiện những thế cây như: Phúc – Lộc – Thọ, phu tử, mẫu tử, huynh đệ, bằng hữu…Người trẻ tuổi thích phóng khoáng, lãng mạn thì tạo thế cây nằm ngang hoặc dáng thác đổ, dáng trực. Và trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhâm nhi tách trà vừa trò chuyện vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những chậu cây cảnh bonsai là điều vô cùng thi vị.

Anh Huỳnh Tấn Đạt – Phường Hội Thương, TP.Pleiku cho biết: “Ngày Xuân mà chơi bonsai, nếu bonsai có hoa thì nó tươi, còn bonsai lá thì nó cũng có ý nghĩa riêng của bonsai; hoặc là người ta chơi bonsai mai. Tôi cũng có chăm bonsai mai. Thì nhiều người thích bonsai mai dáng loằng ngoằn (gọi là dáng lò xo), nhiều người thích dáng thác đổ, còn riêng tôi chơi bonsai mai thì tôi chơi dáng trực. Tôi thích đặt  một chậu bonsai dáng trực trong nhà để khách, bạn bè đến biết gia đình vững chãi, rất mạnh mẽ; bởi vì dáng trực tượng trưng cho quả núi”.

Xuân về Tết đến trăm hoa đua nở. Cùng với đào, mai hay cây cảnh bonsai…những năm gần đây, nhiều người đã chọn lan rừng để chơi Tết. Những chậu lan rừng nở hoa tươi thắm, thoảng nhẹ hương thơm không chỉ góp phần làm cho không gian nhà ngày Tết thêm rực rỡ, tràn đầy sức sống mà nó còn là thú vui thanh tao của rất nhiều người. Để có một giàn lan đẹp, người chơi phải bỏ không ít công sức và tiền từ việc đi tìm, chọn mua các giống lan khác nhau, đến làm giàn rồi chăm sóc. Cũng bởi vẻ mỏng manh nhưng tràn đầy sức sống của loài lan rừng nên trong những ngày Tết, có giò phong lan rực rỡ hay chí ít có chậu lan rừng nhỏ trang trí trong nhà cũng tạo nên không khí vui vẻ.

Anh Lê Văn Năm – Phường Hoa Lư, TP.Pleiku cho biết: “Chơi lan thì họ thích dòng Nghinh Xuân (gọi là đai trâu). Nginh Xuân thì nó nở vào mùa Xuân. Để có một giò lan nở đúng Tết thì rất là công phu nên lựa chọn đầu tiên của mình là Tết phải có một giò Nghinh Xuân như này để trưng trong nhà”.

Theo quan niệm của người Việt, trong không khí giao hòa, trời đất sang xuân, những bông hoa, nhành cây, chậu cảnh cũng sẽ đem đến cho con người sức sống và những gì tươi đẹp nhất. Và thú chơi hoa, cây kiểng ngày Tết không những thể hiện sự tinh tế, tao nhã của tâm hồn người Việt mà nó còn mang ý nghĩa sâu xa hơn, đó là mùa Xuân sẽ mang tài lộc đến cho mọi người./.

Mỹ Tiến, Huy Toàn


Lượt xem: 37

Trả lời