Seri phóng sự về Pleiku xưa và nay

Cập nhật 24/5/2022, 14:05:21

Hòa nhịp cùng sự đổi mới và hội nhập của đất nước, trong chặng đường 90 năm hình thành và phát triển của tỉnh Gia Lai, thành phố Pleiku đã khẳng định được vai trò và vị thế của một đô thị trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên, là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trải qua hơn 90 năm xây dựng và phát triển, từ một thị xã hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, kinh tế có điểm xuất phát thấp, thành phố Pleiku hôm nay đã trở thành một thành phố trẻ năng động và giàu tiềm năng phát triển. Mở đầu seri phóng sự về “Pleiku xưa và nay”, mời quý độc giả cùng tìm về những dấu ấn xưa để mường tượng một phần của Pleiku trong quá khứ, qua đó có sự đối sánh sinh động về bước phát triển của thành phố hôm nay.

        Dấu ấn Pleiku xưa        

Tìm trong ký ức một thời để thấy được hiện tại, tìm trong quá khứ để luôn trân trọng tương lai, từ sự gắn bó và tình yêu tha thiết với phố núi Pleiku, ông Nguyễn Quang Hiền – nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai đã dành nhiều thời gian và tâm huyết sưu tầm hàng ngàn bức ảnh, tìm kiếm tư liệu quý viết về Pleiku xưa. Những hình ảnh đặc trưng của phố núi từ mấy chục năm về trước được tái hiện khá sinh động và rõ nét qua kho tư liệu ảnh đồ sộ và phong phú nhất về Pleiku mà ông Hiền đang sở hữu với gần 20.000 bức ảnh,  qua đó đã góp một cái nhìn toàn cảnh về từng bước phát triển của đô thị Pleiku.

Ông Nguyễn Quang Hiền – Phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku chia sẻ: “Thời điểm tôi ghi nhận lại bộ sưu tập này chủ yếu giai đoạn từ 1960 đến 1975. Năm 1960 sau khi thành lập tỉnh Pleiku được 30 năm. Đường xá lúc đó chưa phát triển, lấy ngã ba Diệp Kính làm trung tâm, nó chỉ phát triển về phía Bắc khoảng chừng 1 cây số, phía Nam 1 cây số. Đặc trưng vào thời điểm bấy giờ là cây xanh và đất đỏ bazan. Sự phát triển theo 2 đường trục chính, đường trục kinh doanh là đường Hùng Vương bây giờ và đường trục hành chính bây giờ là đường Trần Hưng Đạo. Thời tiết ở đây sáng, trưa, chiều độ chênh lệch rất lớn. 1 đặc điểm khác dân cư gồm người ở nhiều vùng miền, vào thời điểm đó chủ yếu người Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, cũng có 1 số người gốc Ấn, gốc Hoa họ lên mua bán kinh doanh tạo nên 1 phố xa. Thị tứ lúc đó rất nhỏ gọn trong phạm vi của xã Hội Thương, Hội Phú”.

           

   Nếu không có những khoảnh khắc được lưu giữ như thế này sẽ khó hình dung ra cuộc sống bình dị nhưng không kém phần sôi động của các hiệu buôn ở Pleiku từ những năm 1960. Những tấm ảnh về ngã ba Diệp Kính, ngã ba Phù Đổng, dốc Hội phú, núi Hàm Rồng, bến xe chợ Mới…cũng đem đến nhiều thú vị cho người xem trong sự đối chiếu xưa và nay.

 Ngày mới giải phóng Pleiku là một thị xã nhỏ bé, chỉ có vài dãy phố thưa thớt. Thị xã Pleiku lúc bấy giờ có 75.000 dân, gồm 4 xã ven thị, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, giao thông chỉ một số tuyến đường chính nhưng bị chiến tranh tàn phá nặng nề.

47 năm sau ngày giải phóng, thành phố Pleiku đã không ngừng chuyển mình để vươn lên trở thành đô thị năng động, hiện đại. Các tuyến đường được mở rộng, các công trình xưa cũ đã được thay thế bằng kiến trúc hiện đại, khang trang. Đô thị hơn 90 năm tuổi hôm nay đã có bước phát triển vượt bậc song vẫn luôn lưu giữ trong mình nét đặc trưng riêng với vẻ đẹp bình yên, sâu lắng.

Ông Lê Quyết Thắng – thành phố Pleiku cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Pleiku tôi nó in sâu trong tâm trí của tôi là những con đường của thành phố Pleiku không to, nhỏ nhưng xinh tươi. Ngày xưa so với bây giờ thay đổi rất nhiều. Những cái tôi còn nhớ lại đó là những con đương nhỏ, bằng ¼ bây giờ thôi. Ngày đó trung tâm Pleiku  là ngã Ba Diệp Kính, thời điểm đó chúng tôi hay xem phim ở nhà hát Nhân dân bây giờ đã chuyển thành nhà sách Nhân dân. Những cung đường hay đi là Hùng Vương, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, đó là những kỷ niệm thời còn ở Pleiku tôi hay nhớ đến. Hai bên đường có những hàng thông rất mộc mạc, mang đậm tình người cộng với khí hậu không khí rất trong lành”.

Ông Lê Miền Nam- thành phố  Pleiku cũng nói: “Sự đổi thay của thành phố Pleiku rất nhiều, nhưng mà nổi bật nhất mọi người đều nhìn thấy đó là mảnh đất này ngày xưa là bệnh viện, sau giải phóng hơn chục năm nhà nước mới di chuyển sự bất cập này khi nó ở trong thành phố đông dân cư và chuyển ra ngoại vi thành phố. Ở nơi đây họ mới quy hoạch thành khu Quảng trường Đại đoàn kết bây giờ. Đó là thay đổi lớn nhất, cũng chính là cái mà người dân được hưởng lợi nhiều nhất khi Quảng trường này hình thành, đó là nơi thư giãn sau những ngày lao động, con em được vui chơi. Mọi người ở khắp nơi về cũng về đây”.

Thoảng nghe ca khúc: “Còn chút gì để nhớ ” một  sáng tác nổi tiếng về phố núi Pleiku của nhà thơ Vũ Hữu Định, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, với nhiều người bao kí ức về Pleiku của một thời xa xưa lại ùa về.

Hình ảnh về một thị xã nhỏ bé ngày nào giờ đã khoác lên mình chiếc áo mới, không còn “Đi dăm phút đã về chốn cũ” nhưng vẫn đong đầy tình thân, vẫn giữ cho mình những nét riêng, bình dị và cứ vậy mà nhẹ nhàng đi vào lòng bất kỳ ai đã đến nơi này./.

Kim Châu – Lệ Xuân – Minh Trung – R’Piên


Lượt xem: 35

Trả lời