Seri phóng sự 3 kỳ: Nhìn lại đợt bùng phát dịch Covid- 19 vừa qua tại Gia Lai

Cập nhật 18/11/2021, 07:11:51

Qua 3 đợt bùng phát dịch Covid – 19, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ, vì vậy tình hình dịch bệnh tại địa phương ở các thời điểm đó về cơ bản được kiểm soát tốt. Thế nhưng ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng đã và đang phải chống đỡ làn sóng dịch Covid – 19 với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Đặc biệt từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận nhiều ca mắc Covid – 19 trong cộng đồng, trong đó có nhiều ca cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được nguồn lây. Vậy đâu là nguyên nhân và các giải pháp phòng, chống dịch đã được triển khai thực hiện như thế nào; những bài học kinh nghiệm về công tác phòng, chống dịch qua đợt bùng phát dịch vừa qua tại Gia Lai… Loạt phóng sự 03 kỳ với chủ đề “Nhìn lại đợt bùng phát dịch Covid – 19 vừa qua tại Gia Lai” sẽ phần nào lý giải các vấn đề trên. THGL xin giới thiệu kỳ 1 phóng sự “Nếu chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch sẽ lĩnh hậu quả”.

Kỳ I: Nếu chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch sẽ lĩnh hậu quả

Tính từ ngày 26/4/2021 đến 08 giờ ngày 17/11/2021, trên địa bàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 2.505 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Riêng từ ngày 1/10 đến ngày 17/11/2021, toàn tỉnh đã có gần 1.945 ca, trong đó có 1.305 ca được phát hiện sau khi trở về từ vùng dịch, điều đáng nói là có nhiều trường hợp dương tính với SARS – CoV – 2 được phát hiện thông qua xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Gia Lai cho biết: “Từ đầu tháng 10 tới nay ở các tỉnh phía Nam đã thực hiện bỏ giãn cách xã hội, vì thế lượng người dân đổ về tỉnh tăng một cách đột biến, số lượng người đi qua tỉnh tăng rất là cao. Các xe phương tiện luồng xanh, xe tải khi đi qua tỉnh cũng là yếu tố làm cho dịch bệnh trong tỉnh tăng cao. Đặc biệt sau khi chúng ta triển khai tiêm chủng phủ mũi 1 thì trong người dân đã có tâm lý chủ quan, lơ là trong vấn đề phòng chống dịch. Đây là yếu tố tiềm ẩn có những ca dương tính có thể lưu trong cộng đồng trong thời gian vừa qua”.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid – 19 một số huyện gồm: Kbang, Chư Sê, Đak Pơ, Phú Thiện đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên dịch lại đang diễn biến phức tạp ở huyện Ia Grai và Tp. Pleiku. Riêng Tp. Pleiku đang là điểm nóng về dịch bệnh Covid – 19 của tỉnh Gia Lai. Chỉ trong vòng  20 ngày (25/10 đến 16/11) Tp. Pleiku đã ghi nhận 409 ca, nâng tổng số ca nhiễm Covid – 19 trên toàn thành phố đến thời điểm  hiện tại là 504 ca.

Điều đáng lo ngại nhất đó là đã xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng và chưa rõ nguồn lây tại các làng đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố Pleiku như làng Kép, phường Đống Đa; Pleiku Róh, phường Yên Đỗ và làng Ốp, phường Hoa Lư. Nhiều ổ dịch cộng đồng phức tạp, lây lan nhanh đã xuất hiện, trong khi một bộ phận người dân lại chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm quy định 5K.

Anh Puih Vinh, Thôn trưởng thôn Pleiku Róh, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku nói:  “Do trước đây bà con chưa ý thức được việc thực hiện 5K của Bộ Y tế nên hay qua lại với nhau giữa bà con, dòng họ, rồi những thanh niên hay tụ tập nên dẫn đến việc lây lan xảy ra giữa người này người kia trong cộng đồng”.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND phường Hoa Lư, TP. Pleiku cho biết: “Đối với việc phong tỏa khu vực làng đồng bào DTTS thì hết sức khó khăn so với khu vực Tổ dân phố. Tại vì ý thức của người dân là một vấn đề. Cái vấn đề thứ 2 là vấn đề sinh hoạt cộng đồng, rồi liên quan đến chăn nuôi gia súc, gia cầm thì chăn thả. Thì chúng tôi vẫn tuyên truyền để hạn chế”.

Công tác phòng chống dịch bệnh Covid – 19 trước hết  thuộc về ý thức của mỗi cá nhân. Đáng tiếc là đã có câu chuyện xảy ra khó đoán, đó là vào ngày 4/11/2021, có 02 công dân của làng Ốp, phường Hoa Lư, Tp. Pleiku xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS – CoV – 2 nên đã được ngành y tế đưa đi điều trị, cách ly tại cơ sở điều trị Covid – 19 tại Đak Đoa. Tuy nhiên ngay trong đêm ngày 5/11, cả 2 trường hợp trên đều đã trốn về gia đình. Rất may, ngay sáng hôm sau cơ quan chức năng đã tìm được 02 công dân nói trên và đưa họ trở lại cơ sở điều trị Covid – 19. Bên cạnh đó, việc tụ tập đông người để thực hiện các nghi lễ theo phong tục, tập quán vẫn còn diễn ra ở nơi này, nơi khác cũng là nguy cơ  cao dẫn đến dịch bùng phát trên diện rộng.

 Ông Đỗ Việt Hưng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku trao đổi: “Từ ngày 25/10 cho đến thời điểm hiện nay diễn biến dịch phức tạp đa số các ca nằm trong khu vực phong tỏa là các F1, tuy nhiên có một số ca cộng đồng và chưa rõ nguồn lây. Nguyên nhân có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất là sau khi chúng ta thực hiện Nghị quyết 19 triển khai biện pháp thích ứng an toàn, việc giãn cách xã hội được nới lỏng và người dân trở về thành phố Pleiku từ các tỉnh phía Nam. Nguyên nhân thứ hai tôi cho rằng một bộ phận người dân và đâu đó là các ngành của địa phương còn có tâm lý chủ quan, lơ là mất cảnh giác”.

Tại buổi làm việc mới đây với tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đánh giá, phân tích nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng  trong thời gian vừa qua. Đồng thời, đưa ra những khó khăn trước mắt mà tỉnh Gia Lai sẽ phải đối mặt với dịch bệnh Covid – 19 trong những ngày tới và yêu cầu địa phương cần phải ứng phó kịp thời.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh:  “Dân số của tỉnh Gia Lai có đến 46% là người DTTS. Các điều kiện để chúng ta thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 128 như 5K, văccine, ý thức của người dân, thuốc, công nghệ…chắc chắn sẽ rất khó cho tỉnh Gia Lai. Chính vì những điều kiện đó nên khả năng dịch trong thời gian tới có khả năng sẽ lây lan rộng hơn. Cho nên tôi đề nghị các đồng chí trong BCĐ cần xác định tình hình sẽ hết sức khó khăn và phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan lơ là”.

 Nhấn mạnh về Nghị quyết 128 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu tỉnh Gia Lai phải căn cứ vào đó để có phản ứng, nếu không rất nguy hiểm. Chúng ta vẫn phải thực hiện Chiến lược “Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng – Dập dịch và điều trị hiệu quả”. Chỉ thay đổi giải pháp trong chiến lược để phù hợp với tình hình mới là “không Zero Covid”. Chúng ta vẫn phải phát hiện dịch sớm, xử lý ổ dịch. Đó là phong tỏa hẹp nhất có thể, phong tỏa theo nguy cơ, đánh giá theo nguy cơ để đáp ứng cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Quán triệt tinh thần nói trên, suốt trong thời gian qua UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã làm tất cả những gì có thể để chỉ đạo, hỗ trợ cho các địa phương phòng, chống và khống chế dịch, nhờ vậy nhìn tổng thể Gia Lai vẫn luôn là vùng xanh. Tuy vậy nếu chỉ một địa phương, một khu dân cư, hay một gia đình và từng cá nhân còn chủ quan, lơ là thì hậu quả sẽ không thể đo đếm được.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, tỉnh Gia Lai đã có những giải pháp nào để ứng phó dịch từ các chỉ thị, hướng dẫn trước đây sang trạng thái “bình thường mới” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế  một cách khoa học và phù hợp với thực tiễn? Câu chuyện sẽ được chúng tôi đề cập trong kỳ 2  phóng sự  “Chống dịch phải thích ứng an toàn, linh hoạt”, mời quý độc giả cùng quan tâm theo dõi./.

Nhóm PVTS


Lượt xem: 35

Trả lời