Seri phóng sự 3 kỳ: Nhìn lại đợt bùng phát dịch Covid- 19 vừa qua tại Gia Lai

Cập nhật 19/11/2021, 07:11:21

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều địa phương với sự xuất hiện của biến thể Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn nhiều so với chủng gốc trước đây, buộc tỉnh Gia Lai phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt hơn để thực hiện mục tiêu ưu tiên trước hết, trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Vậy những giải pháp đó đã được tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện như thế nào, mời quý vị và các bạn cùng đến với kỳ 2 phóng sự “Chống dịch phải thích ứng an toàn, linh hoạt” trong chuỗi Seri phóng sự 3 kỳ: Nhìn lại đợt bùng phát dịch Covid – 19 vừa qua tại Gia Lai.

Kỳ II: Chống dịch phải thích ứng an toàn, linh hoạt

Để tiếp tục triển khai cấp bách công tác phòng, chống dịch gắn với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ngày 5/11/2021 UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 13 về việc tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 128 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh Gia Lai. Theo đó, địa phương đã chuyển từ chiến lược Zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát và quản lý rủi ro. Cụ thể ở giai đoạn đầu, khi chưa có miễn dịch cộng đồng, tỉnh Gia Lai tiếp tục phương án kiểm soát, giám sát chặt các nguồn lây, các yếu tố nguy cơ để ngăn chặn, phòng ngừa và đẩy lùi dịch Covid – 19, đồng thời vẫn giữ nguyên tắc khoanh vùng, phong toả và xét nghiệm nhanh.

Đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid – 19 của tỉnh chỉ đạo:  “Tôi đề nghị phải nâng công suất xét nghiệm, thời gian xét nghiệm. Chúng ta làm thế nào để đi trước tốc độ lây lan của dịch bệnh. Bây giờ có mấy điểm ở Chư Sê, Pleiku, Phú Thiện tôi đề nghị các đồng chí tổ chức tầm soát rộng hơn. Tôi đề nghị thường trực BCĐ các đồng chí khẩn trương chỉ đạo việc này.

Vắc xin thì thưa với các đồng chí là từ nay đến cuối tháng chúng ta sẽ nhiều. Nếu chúng ta không có kế hoạch tốt, không sử dụng lực lượng tốt thì chúng ta sẽ không đạt được kế hoạch từ 90 đến 100%. Tôi đề nghị có tới đâu các đồng chí cố gắng tiêm 1, 2 ngày cho xong, nhưng quy trình 6 bước thì tôi đề nghị phải thực hiện hết sức nghiêm túc”.

 Đối những khu vực trọng điểm về dịch bệnh Covid – 19 thì ngoài việc áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương thì cũng cần phát huy tốt vai trò của người đứng đầu cấp ủy, nắm bắt tình hình và thông tin nhanh với các địa phương khác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ông Trịnh Duy Thuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Bí thư Thành ủy Pleiku – Chủ tịch HĐND Tp.Pleiku cho biết: “Mối quan hệ giữa các làng với nhau có thể nói rất là mật thiết, ma chay, cưới hỏi và các mối quan hệ khác nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất là cao, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Cho nên cái này ngoài triển khai các giải pháp của thành phố thì chúng tôi cũng đã thông báo cho các huyện và trên cơ sở truy vết các kết quả của ca F0 sẽ thông báo về các địa phương khác phải mở rộng, xét nghiệm. Đối với một số ca phát hiện ở khu dân cư chúng ta tiến hành phong tỏa hẹp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh”.

Bên cạnh đó, căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, điều kiện kinh tế – xã hội, phong tục tập quán của người dân, đặc biệt là tỷ lệ dân số trên 18 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin  phòng Covid – 19 rất thấp, hệ thống y tế cơ sở còn nhiều khó khăn. Ngày 20/10/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 tỉnh Gia Lai có Công văn số 545 về việc hướng dẫn tạm thời các biện pháp cách ly, giám sát y tế trong, phòng chống dịch Covid – 19.

Ông Nguyễn Mạnh Điệp, Chủ tịch UBND xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang cũng nói: “ “Hiện nay trên địa bàn xã có 24 tổ Covid cộng đồng. Xã đã phân công cụ thể trong BCĐ và từng thành viên trong BCĐ phối hợp với thôn, làng và các tổ Covid cộng đồng đi kiểm tra, đặc biệt là quan tâm đến những gia đình khó khăn từ vùng dịch về, thiếu gạo, thực phẩm thì xã cũng cho anh em đến tận nhà và chu cấp kịp thời nhằm đảm bảo không ra ngoài để tiếp xúc, gây lây lan trong cộng đồng”.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai đã vượt mốc trên 2000 ca nhiễm Covid – 19. Để tập trung cho công tác điều trị bệnh nhân Covid – 19, địa phương đang thí điểm quản lý F0 không triệu chứng tại nhà. Đồng thời mở rộng hệ thống bệnh viện điều trị Covid tầng 2 cho (tuyến huyện và tuyến xã) gắn với điều trị Oxy trung tâm, huấn luyện nhân viên y tế đảm đương vận hành cấp cứu và xử lý bệnh nhân tầng 2 (tuyến huyện) và tầng 3 (tuyến tỉnh).

BS CKII Kiều Văn Bước, Trưởng khoa HSTC – CĐ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết: “UBND tỉnh và Sở Y tế cũng đã mời thầy Tuấn ở TP. Hồ Chí Minh, thầy chuyên về hô hấp đào tạo về máy thở để chuẩn bị năng lực nâng cao hồi sức cho bác sĩ ở các tuyến huyện, thành phố để chuẩn bị tinh  thần nếu dịch bệnh xảy ra nhiều sẽ có đội bác sĩ này hỗ trợ cho chương trình chống dịch, để nâng cao năng lực điều trị tốt cho bệnh nhân”.

Tại buổi làm việc với  UBND tỉnh Gia Lai mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có những chia sẻ về chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch của  tỉnh Gia Lai.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nói: “Đối với những vùng đỏ, vùng cam thì các đồng chí nên sử dụng test nhanh vì chủng vi rút này mật độ ở trong dịch hô hấp rất cao cho nên test nhanh mặc dù độ dịch nhầy của đặc hiệu nó không bằng xét nghiệm PCR nhưng mà chúng ta vẫn có thể phát hiện được bệnh. Vấn đề này các đồng chí có khó khăn thì  chúng tôi sẽ hỗ trợ”.

Ngoài triển khai hệ thống bệnh viện điều trị Covid – 19 ở các tuyến thì một trong những yếu tố quan trọng để sớm tạo miễn dịch cộng đồng đó là đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid – 19. Dự kiến đến cuối tháng 11/2021, toàn tỉnh sẽ có trên 90%  dân số được tiêm vắc xin phòng Covid – 19 và cuối tháng 12 năm nay sẽ có 100% dân số được tiêm vắc xin phòng Covid – 19.

Bà Đào Thị Lượn, Thôn 3, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku chia sẻ:  “Theo cô nghĩ thì Văccine nào cũng là tốt hết, vì người ta đã kiểm dịch rồi, tất cả bà con cũng tiêm thì mình cũng tiêm chứ chẳng có lăn tăn gì cả. Tôi thấy chẳng có gì phải lăn tăn cả. Đã tiêm để chống dịch rồi thì thấy rất là thỏa mãn và rất chi là mừng, bởi vì giờ Nhà nước đã quan tâm cho tiêm như thế là quá tốt rồi..”

Để sớm tạo miễn dịch trong cộng đồng, dần nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh Gia Lai đang tiếp tục điều tra, rà soát, bổ sung danh sách tiêm phòng vắc xin Covid-19 theo từng cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, tổ dân phố đồng thời bố trí nhận lực, vật tư y tế để triển khai tiêm chủng vắc xin sớm cho người dân, trong đó có trẻ em từ 12-17 tuổi ngay khi được tiếp nhận vắc xin được Bộ Y tế cấp về cho địa phương./.

Trước thực trạng, nguyên nhân diễn biến của dịch bệnh Covid – 19  đang diễn biến phức tạp thì việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong phòng chống dịch bệnh cũng phải phù hợp với tình hình mới. Vậy trong quá trình thực hiện, tỉnh chúng ta đã rút ra được bài học kinh nghiệm gì? Mời quý độc giả theo dõi kỳ 3 phóng sự “Những bài học kinh nghiệm qua các đợt dịch vừa qua” trong chuỗi Seri phóng sự 3 kỳ: “Nhìn lại đợt bùng phát dịch Covid- 19 vừa qua tại Gia Lai”.

Lệ Xuân – Quốc Linh – Phi Long


Lượt xem: 34

Trả lời