Rượu cần – Nét văn hóa đặc trưng của người Jrai trong ngày Tết

Cập nhật 27/1/2022, 10:01:39

Ngoài các món ăn truyền thống như thịt heo gác bếp, cơm lam, gà nướng thì rượu cần được xem là nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong các ngày Tết, lễ, hội của cư đồng bào Jrai. Với hương vị đặc trưng, rượu cần không chỉ là thức uống thông thường mà là một trong những sản vật quý mang nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Jrai, “là chất men” cố kết tình cảm, đoàn kết cộng đồng bền chặt.

Điều đặc biệt khiến rượu cần của đồng bào dân tộc Jrai trở nên khác biệt với các loại rượu khác, bởi đây là loại rượu được làm từ men lá. Men rượu này được làm từ một cây rừng có tên Hiam, chỉ có người địa phương mới phân biệt được loại cây này. Thông thường việc nấu rượu sẽ do bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Jrai đảm nhận, song ban đầu đàn ông sẽ chịu trách nhiệm lên rừng tìm cây, lá để về làm men rượu. Cây Hiam được chặt về, tước vỏ đem giã nát cùng với lá của nó rồi vắt lấy nước. Gạo rẫy rang lên đem giã cùng với riềng rừng, ớt trộn đều với nước cây Hiam và vo viên. Men lá được hong khô trên giàn bếp khoảng 10-15 ngày cho dậy men, phủ bên ngoài một lớp bột trắng, nắm men khô nứt đều là được.

Bà Rcom H’Ther – Phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa cho biết: “Từ bé là đã thấy mẹ làm rượu ghè  Rượu ghè của người Jrai do làm từ men rễ cây nên để không có hư, 1 năm , 2 năm cũng được . Người Jrai mình rất hiếu khách, nên nhà nào cũng làm 4-5 ghè để đãi khách, rồi bà con về chơi dịp Tết nữa”.

Rượu cần ở Tây Nguyên thường được nấu bằng các loại lương thực như gạo rẫy, bắp, sắn, bo bo, nếp than… Mỗi loại nguyên liệu sẽ cho ra vị ngọt, đắng đặc trưng của ghè rượu. Nguyên liệu được nấu chín, không khô, không nhão, vớt ra nia để nguội, rồi trộn đều với men lá giã nhỏ. Sau hai ngày, một đêm, hỗn hợp này sẽ dậy men. Công đoạn cho cơm rượu vào ghè rất quan trọng, tất cả phải đảm bảo vệ sinh, từ ghè đựng cho đến cơm rượu. Sau đó, các ghè rượu này được để vào nơi thoáng mát, tránh ánh nắng, ẩm thấp. Rượu cần thường được ủ khoảng 1-2 tháng, trước khi có các dịp lễ hội. Rượu chín, khi dùng, người Tây Nguyên thường lấy 3-4 thanh nứa vót mỏng rồi đan đè lên mặt ghè, rải một lớp trấu, trên cùng lấy các loại lá rừng hoặc lá chuối phủ lên bề mặt nước để ngăn nguyên liệu nổi lên bề mặt.

Người Jrai  xem rượu cần là một trong những sản vật mang ý nghĩa văn hóa và tâm linh. Trong các lễ cúng của dân làng, ngoài lễ vật để tế Yang (thần linh), không thể thiếu rượu cần. Rượu cần của người Jrai không để lại cảm giác say như rượu gạo, rượu cần có cách thưởng thức riêng và dư vị của nó cũng nhẹ nhàng hơn.

Chị Siu H Nhúy – Xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên mẹ chỉ cho em làm rượu cần. Mẹ bảo với em rượu cần có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với người Jrai. Rượu giúp kết nối con người với con người, giúp kết nối con người với thần linh”.

 Tây Nguyên dịp Tết đến Xuân về, mỗi gia đình Jrai lại đóng góp một ghè rượu tại nhà rông truyền thống của làng để cùng tập trung ăn uống, xem thanh niên diễn tấu cồng chiêng, ngắm điệu múa xoang uyển chuyển của các thiếu nữ, nghe già làng kể về quá khứ hào hùng dân tộc, kết nối cộng đồng, xây dựng quê hương giàu đẹp, mong cầu một năm mới bình an, mùa màng tốt tươi./.

Trương Trang, Minh Trung  


Lượt xem: 2

Trả lời